Đối với những người đất liền từng đặt chân đến các đảo chìm, đảo nổi của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) dù ít hay nhiều, ai cũng cố gắng tìm và lưu giữ một vật kỷ niệm từ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Chuyến hải trình của Tàu HQ-561 hôm ấy đưa chúng tôi ghé thăm đảo Đá Tây B của huyện đảo vào một ngày mà thời tiết không mấy thuận lợi và có dịp gặp được chiến sĩ trẻ Trần Văn Ngân (quê ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) đang công tác ở đây. Ngân cũng là người lính sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo quy định và chuẩn bị trở lại đất liền trong dịp này. Hành trang mà Ngân mang về gia đình, ngoài sự chững chạc, bản lĩnh và phẩm chất kiên cường của người lính Hải quân nhân dân Việt Nam, còn có những kỷ vật mà em rất nâng niu, gìn giữ. Đó là những cành hoa ốc, những trái bàng vuông khô và có cả mô hình thuyền mà Ngân đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm từ những vật liệu phế thải của đơn vị để mang về tặng cho người thân, bè bạn ở quê nhà.
Trao đổi với tôi, Ngân cho biết: “Không chỉ riêng em mà các anh em trên đảo khi có khách đến thăm đều tặng các món quà do chính tay mình làm như một sự khẳng định về tình quân dân cá nước luôn bền chặt”.
Theo lời Ngân, để làm được cành hoa ốc “bắt mắt” thì phải lựa những con ốc đẹp nhất, sau đó phải đem phơi nắng, chà đánh bóng thật kỹ để có được vẻ đẹp tự nhiên. Cành hoa là những sợi kẽm gai được quấn cẩn thận bằng bọc ni lông màu xanh. Sau đó mới tiến hành công đoạn trang trí. Riêng đối với làm mô hình tàu thuyền, cái khó nhất là không đủ vật dụng như trong đất liền. Tuy nhiên, với sự chịu khó nghiên cứu, mày mò, sáng chế và tận dụng mọi phế phẩm trên đảo nên các mô hình thuyền mà lính đảo làm ra “không đụng hàng” với bất cứ mẫu nào được bày bán trên thị trường. Ngân bộc bạch thêm: Ở đảo chìm chúng em, nhiều nhất vẫn là các loài hải sản. Khi đánh bắt được các loại ốc, ăn xong là chúng em thường giữ lại vỏ để làm quà tặng khách. Cứ mỗi lần có khách ra, “kho” vỏ ốc lại vơi dần. Cứ cuối ngày hay những giờ được nghỉ, chờ thủy triều xuống, bọn em lại xắn quần lội xuống biển, bắt và nhặt từng con ốc... Sau đó phơi khô rồi để dành. Thành ra, không lo hết quà…
Cũng như những lính đảo Trường Sa, các chiến sĩ quê Phú Yên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong đợt này ai cũng đem theo những món quà, kỷ vật từ biển. Nhiều nhất trong số đó là những vỏ ốc, vỏ sò tự nhiên như đã nói trên. Các chiến sĩ Lê Anh Trung (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa), Nguyễn Thành Pháp (quê An Ninh Đông, huyện Tuy An)… đều cẩn thận gói ghém, cho vào ba lô những vỏ ốc và những cành hoa ốc. Bên cạnh đó, có chiến sĩ lại mang những chiếc áo thun trắng đã được giặt sạch đến nhờ các sư trụ trì trên các đảo viết cho vài chữ thư pháp. Chữ mà các chiến sĩ thường xin là: Trường Sa thân yêu, Vì biển đảo quê hương, Nhẫn, Ái, Tâm…
Còn các nhà báo chúng tôi khi cập đảo Trường Sa Lớn, người thì lấy chai nhựa đựng ít nước biển, người thì đi nhặt san hô ngoài bãi. Riêng cánh phóng viên nữ thì tìm vỏ ốc, vỏ sò. Tuy nhiên, quà đặc biệt nhất vẫn là trái bàng vuông, hoặc cây bàng vuông con được lính đảo cẩn thận chiết ra để tặng khách mang về trồng.
Anh Trần Đình Châu, phóng viên Đài PTTH Bình Định, trong chuyến công tác cùng với tôi cuối năm 2014 đã may mắn được thủ trưởng đảo Trường Sa Lớn tặng một cây bàng vuông được chiết tại đảo. Làm báo nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên đặt chân đến đảo tiền tiêu, vì vậy, cây bàng vuông chính là kỷ vật vô giá đối với anh. “Trồng cây bàng vuông vừa tạo bóng mát, vừa để người dân quê nhà biết được cây bàng vuông vững chải giữa bão tố phong ba của Trường Sa có hoa đẹp như thế nào” - anh Châu vui mừng chia sẻ.
Nhưng có thể nói, những lá cờ Tổ quốc đã sờn cũ theo thời gian từng tung bay trên các đảo ở Trường Sa mới chính là món quà có ý nghĩa thiêng liêng nhất. Đây là món quà thường được cán bộ, chiến sĩ các đảo chìm, đảo nổi dành tặng cho các tập thể ở đất liền, thường được đặt trang trọng trong các phòng truyền thống của cơ quan, đơn vị, trường học… Sau những tháng ngày hiên ngang phất phới nơi đảo xa, bây giờ, những lá cờ nằm đó như một minh chứng hùng hồn cho tình yêu nước bao la của những người lính Cụ Hồ quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất mẹ dù trong bất kỳ tình huống nào, như một minh chứng cho nghĩa tình tiền tuyến - hậu phương luôn keo sơn gắn bó…
VĂN TÀI