Thôn Xóm Cát, xã An Hải (huyện Tuy An) trải dài từ chân núi Động Tranh qua lưng chừng núi Cao Biền rồi chạy xuôi ra biển. Phụ nữ ở đây làm lúa rẫy, còn đàn ông đi biển.
Nhịp sống thường ngày ở Xóm Cát - Ảnh: M.H.NAM |
Lúa rẫy ở đây được gieo trồng trên núi Động Tranh, đầu tháng 10, trời có mưa, nông dân be bờ hứng nước mưa để cày ải rồi gieo khô. Những ngày này, lúa rẫy vừa ra lá non trải dài từ núi xuống tận đường bê tông, có những ngôi nhà bước ra phía sau hè là gặp lúa rẫy.
Chợ Xóm Cát ở đầu thôn nên người dân từ nhà ra rẫy và ngược lại đều đi ngang qua chợ. Chợ họp từ mờ sáng đến 7 giờ là tan, vì khách hàng chỉ có mấy người quen trong thôn. Bà Tám Sĩ, một tiểu thương, nói: “Bà con ra chợ tranh thủ mua đồ về còn đi làm đồng, có người mua thức ăn rồi đi thẳng ra rẫy làm cỏ lúa, gần trưa thì về kho cá nấu cơm. Có người sáng sớm ra rẫy cắt giỏ cỏ voi mang về ngang qua ghé chợ mua mớ cá, mấy trái cà rồi gùi cỏ về nấu bữa trưa. Lều chợ nhìn đơn sơ là vậy, song ở đây bán không thiếu thứ gì”.
Không chỉ xóm nhà ven biển đi biển, mà người dân ở xóm gần chợ, nằm lưng chừng núi Cao Biền, Đá Đen, nơi “phun” ra lũ cát 5 năm trước, cũng sắm ngư cụ, thuyền đánh bắt cá cơm, cá nục. Ban đêm họ ra vùng biển đánh bắt pha xúc, nghĩa là họ chong đèn pha, cá dồn đến thì dùng tấm lưới to gắn hai đầu vào hai cây sào rồi xúc. Mỗi tàu thuyền công suất 40CV một chuyến đánh bắt nhiều thì được 3 đến 4 tấn, ít nhất cũng được 1 tấn cá cơm, bán với giá 20.000 đồng/kg. Có đêm nhiều tàu sau khi trừ phí tổn, thu được 40 đến 50 triệu đồng, có đêm thấp hơn bù qua chế lại một tháng thu trên 150 triệu đồng. Năm nay, cá cơm được mùa nên ngư dân ai cũng phấn khởi.
Mờ sáng cân cá cho lái buôn xong, đàn ông Xóm Cát về nhà uống cà phê vì đi từ đầu đến cuối thôn không tìm ra quán bán thứ này. Gia đình nào có đàn ông, con trai thì mười hộ như chục chỗ hàng ba đều có bộ bình trà, phin cà phê nên gọi là cà phê “hàng ba”. Đi biển về, đàn ông uống cà phê theo kiểu vần công qua lại, mấy nhà trong xóm gần nhau nay ngồi hàng ba nhà người này mai uống nhà người khác cứ thế giáp vòng.
Xóm Mới thuộc thôn Xóm Cát nằm tách biệt ở bên kia cánh đồng vắng trên khu đồi dương nên trai bạn bên đó đi trên bờ ruộng cong vênh qua cà phê “hàng ba” bên này. Anh Nguyễn Hảo, một người dân ở Xóm Mới, tâm sự: Đi biển về tắm rửa xong là tôi quay lại đây liền. Có hôm trời mưa, bờ ruộng nhão nhoẹt, phải xắn quần xách dép, gần đến xóm này, tôi tạt nước ruộng rửa chân rồi ghé nhà người quen uống cà phê “hàng ba”, vui lắm.
Nhà ông Năm Xửng nằm xéo góc chợ Xóm Cát, trước nhà có ba người đàn ông (hai khách, một chủ) ngồi uống cà phê, bên kia chợ, một người phụ nữ lui cui dọn dẹp đồ đạc bỏ trong đôi ky gánh “đầu treo đầu trễ” ra chợ, đến trước cửa nhà ông Năm Xửng, một người đàn ông nhổm dậy ra tiếp sức gánh đôi ky. Hỏi ra mới biết nhà này ở xóm Mới, vợ bán bánh xèo ngoài chợ còn chồng làm nghề biển. Sáng, người chồng đi biển về qua đây uống cà phê rồi sẵn phụ vợ. Ông Năm Xửng nói vui: Hiện nay bên đó có 5 gia đình, vợ nó là em con cô cậu với tôi, mới 45 tuổi đã “lên chức” bà ngoại nhưng lại là người trẻ nhất xóm. Trong xóm toàn người già, vợ chồng nó bám trụ ở đó đêm hôm lo cho các cụ lúc trái gió trở trời. Mấy cụ hồi còn khỏe mạnh là bạn đi biển một thời cho các tàu thuyền bên này. Con gái của đứa em họ hàng với tôi năm rồi lấy chồng, nhà phía chồng có ghe to cũng chuyên đi biển.
Trên đầu dốc Cao Biền, cà phê “hàng ba” nhà của anh Hai Tân, một nhóm năm người xôm tụ đang tán chuyện biển Đông. Anh Hai Tân nói: Dân biển uống cà phê “đề tài chính” là biển Đông, còn chuyện dựng vợ gả chồng, con gà trái bí chỉ lướt qua. Tuần trước nghe Trung Quốc xây dựng đường băng thứ hai trên quần đảo Trường Sa nước mình, anh em nóng ruột lắm. Rồi mấy hôm nay nghe tin tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tiến vào vùng 12 hải lý quanh bãi cạn Xu Bi của Việt Nam, tụi tui cũng bớt lo.
Theo “lịch” hàng ngày, anh Hai Tân uống cà phê xong, trưa ăn cơm, chiều ngủ bù, tối đi biển. Còn chị em phụ nữ đi rẫy về tranh thủ trưa, chiều giặt giũ, tra lại nút áo, lên lai quần cho chồng ra khơi, là hậu cần nghề biển vững chắc cho cả nhà…
MẠNH HOÀI NAM