Thứ Ba, 21/01/2025 14:30 CH
Trưởng thành từ… du kích
Thứ Năm, 26/03/2015 09:00 SA

Hai người là đồng hương Hòa Hiệp anh hùng, thuộc 2 thế hệ khác nhau. Một người tham gia du kích rồi trở thành bộ đội, Dũng sĩ diệt Mỹ, sĩ quan cao cấp… Một người vào bộ đội, sau khi xuất ngũ lại vào du kích, là thị đội trưởng... Lớp cha trước, lớp con sau, cả hai đều cùng trong lực lượng vũ trang, có chung nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Đại tá Đặng Phi Thưởng - Ảnh: X.HIẾU

ĐẠI TÁ ĐẶNG PHI THƯỞNG (NGUYÊN ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, NGUYÊN CHỈ HUY TRƯỞNG BỘ CHQS TỈNH): Vinh dự được gặp Bác Hồ

 

Ông sinh ra ở một làng biển thuộc xã Hòa Hiệp (nay là Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) - một trong những nơi bị bom đạn của quân thù nhiều lần cày qua, xới lại gần như không sót chỗ nào và hứng chịu nhiều đau thương mất mát trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, mới 15 tuổi, Đặng Phi Thưởng (tên thật là Đặng Phi Hồng) đã xung phong vào du kích để được cầm súng giết giặc giữ làng, bảo vệ quê hương đất nước. Lúc đó là năm 1962, đế quốc Mỹ tiếp tục triển khai kế hoạch Staley Taylor, ra sức phát triển lực lượng, tăng cường trang bị quân ngụy, thành lập Bộ chỉ huy quân sự Mỹ và đưa không quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời triển khai trên quy mô lớn “quốc sách”: ấp chiến lược.

 

Năm 1964, khi Trung ương quyết định cho Phú Yên mở bến Vũng Rô để tiếp nhận những chuyến tàu Không số đưa vũ khí, thuốc men từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, Đặng Phi Thưởng trở thành chiến sĩ của Đại đội K60 có nhiệm vụ bảo vệ bến Vũng Rô. Năm 1965, khi chuyến tàu Không số thứ tư vào bến thì bị địch phát hiện. Sau nhiều ngày quần nhau với giặc để bảo vệ con tàu Không số không rơi vào tay bọn chúng trước khi ta cho con tàu nổ tung chìm sâu dưới đáy vịnh, Đặng Phi Thưởng được điều động sang làm nhiệm vụ chiến đấu ở Tiểu đoàn 62, Trung đoàn Ngô Quyền. Từ những kinh nghiệm trong thời gian là du kích của xã Hòa Hiệp cũng như ở Đại đội K60 và sự mưu trí, gan dạ, nhiều lần Nguyễn Phi Thưởng giáp mặt với những tên lính Hoa Kỳ cao to, bắt chúng phải đền mạng cho dân và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

 

Vinh dự lớn nhất trong đời của đại tá Đặng Phi Thưởng là đã cùng đoàn Anh hùng và Dũng sĩ diệt Mỹ Giải phóng quân miền Nam ra thăm miền Bắc, được gặp Bác Hồ và tham gia Đại hội Thanh niên và sinh viên tiên tiến thế giới tại Sofia (Bulgari). Đại tá Đặng Phi Thưởng nhớ lại: Hôm ấy, tại hội trường Quốc hội, rất đông các anh hùng lực lượng vũ trang, dũng sĩ diệt Mỹ cùng bà con miền Nam thành đồng Tổ quốc được Bác tiếp và nói chuyện thân mật. Nhìn Bác giống như ông tiên, thật giản dị và gần gũi. Bác hỏi tôi: “Cháu ra miền Bắc bao lâu rồi? Ở trong miền Nam có được học chữ không?”. Chờ tôi trả lời xong, Bác dặn: “Bây giờ ra Bắc có điều kiện học tập, cháu phải cố gắng học thật giỏi để mai này về miền Nam góp phần xây dựng quê hương, đất nước”. Chính những lời dạy ân cần đó của Bác đã giúp tôi không ngừng vươn lên trong học tập và công tác sau này.

 

Sau thời gian học bổ túc ở miền Bắc và học sĩ quan ở Trường Lục quân 1 (nay là Trường Sĩ quan Trần Quốc Tuấn), năm 1971, Đặng Phi Thưởng xung phong vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - chiến trường khốc liệt nhất ở miền Nam lúc bấy giờ. Nhiều lần đạn giặc “hỏi thăm”, nhưng người từng được phong Dũng sĩ diệt Mỹ này đều vượt qua. Sau “mùa hè đỏ lửa 1972”, trong một trận đánh vô cùng ác liệt, ông bị thương nặng tưởng như sẽ mãi mãi nằm lại bên bờ Thạch Hãn nhưng một lần nữa, ông may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần.

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, sau thời gian làm giảng viên ở Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nay là Trường Sĩ quan Nguyễn Huệ), năm 1990, Đặng Phi Thưởng được cấp trên điều động về quê nhà, tiếp tục làm nhiệm vụ trong quân đội và lần lượt giữ các chức vụ: Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho đến khi về hưu.

 

Sau khi về hưu, mặc dù là thương binh 2/4, nhưng với bản chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông tham gia tích cực các hoạt động của địa phương và được bầu làm bí thư chi bộ khu phố, đồng thời kiêm nhiệm nhiều chức danh khác như: Trưởng ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô; Phó ban liên lạc Trung đoàn Ngô Quyền… Ở nhiệm vụ nào, ông cũng phát huy tốt vai trò của người lính Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài ra, ông còn biên soạn sách, viết báo…

 

 

Huỳnh Tấn Phước (bên phải) cùng đồng đội chỉnh sửa lại bản đồ quân sự của thị trấn Hòa Hiệp Trung - Ảnh: X.HIẾU

 

 

HUỲNH TẤN PHƯỚC (CHỈ HUY TRƯỞNG BAN CHQS THỊ TRẤN HÒA HIỆP TRUNG, HUYỆN ĐÔNG HÒA): Không ngừng phấn đấu, học tập, nâng cao trình độ

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng đất Hòa Hiệp anh hùng, có ông nội là liệt sĩ, ngay từ nhỏ, Huỳnh Tấn Phước đã được giáo dục về truyền thống cách mạng và ý chí tự lập để vươn lên.

 

Sau khi tốt nghiệp THPT, tiếp bước truyền thống của quê hương và gia đình, Huỳnh Tấn Phước xung phong lên đường nhập ngũ và vinh dự trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng của người thanh niên, xuất ngũ trở về địa phương, Huỳnh Tấn Phước được chọn vào xã đội và sau đó giữ chức Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hòa Hiệp Trung (nay là thị trấn Hòa Hiệp Trung), huyện Đông Hòa. Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã ở Trường Quân sự tỉnh, Huỳnh Tấn Phước được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ và trọng trách này. Được sự giúp đỡ của cơ quan quân sự cấp trên và bằng những kiến thức được học tập ở trường, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác, bản thân cũng luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi nên Huỳnh Tấn Phước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chỉ huy trưởng.

 

Với chức trách, nhiệm vụ được giao, Huỳnh Tấn Phước đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND thị trấn ban hành các nghị quyết, chỉ thị và quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Chủ trì lập kế hoạch xây dựng, huấn luyện và hoạt động của dân quân; kế hoạch chiến đấu trị an, kế hoạch phòng thủ dân sự của thị trấn… Qua đó, góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên và lực lượng dân quân về quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, Nhà nước về quốc phòng toàn dân. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ và quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên. Bên cạnh xây dựng và kiện toàn các kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, Huỳnh Tấn Phước luôn chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND thị trấn xây dựng kế hoạch bảo vệ các ngày lễ lớn trong năm và tổ chức triển khai có hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, phân đội, trực sẵn sàng chiến đấu. Phối hợp với Công an thị trấn, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ba lực lượng về chế độ trao đổi thông tin, giao ban, tuần tra kiểm soát địa bàn. Cùng với xây dựng lực lượng dân quân thường trực, dân quân cơ động, đạt tỉ lệ 0,95% so với dân số của thị trấn, đúng theo quy định, bảo đảm chất lượng và độ tin cậy, hàng năm được tổ chức huấn luyện đủ nội dung chương trình, thời gian và đều đạt kết quả khá, giỏi; theo chỉ đạo của cấp trên, Huỳnh Tấn Phước còn tham mưu cho thị trấn Hòa Hiệp Trung thành lập Trung đội Dân quân biển tập trung, bước đầu hoạt động có hiệu quả. Huỳnh Tấn Phước cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác phát triển đảng trong dân quân, công tác hậu phương quân đội, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh. 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thị trấn; trưởng, phó các ban, ngành, hội, đoàn thể; phó bí thư, trưởng phó thôn, hiệu trưởng, hiệu phó các trường trên địa bàn và 100% đảng viên đều được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Qua đó nâng cao nhận thức, góp phần xây dựng củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.

 

Vốn ham học và muốn mở mang kiến thức, trong khi công việc của người chỉ huy trưởng là rất nặng nề, không thể đi học tập trung, Huỳnh Tấn Phước đã sắp xếp thời gian, công việc để theo học lớp đại học từ xa khoa Kinh tế - Luật của Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Không dừng ở đó, sau khi tốt nghiệp, nhận tấm bằng cử nhân Luật, Huỳnh Tấn Phước tiếp tục học đại học văn bằng 2, chuyên ngành Quân sự cơ sở của Trường Sĩ quan Nguyễn Huệ và vừa tốt nghiệp cách đây vài tháng. Anh chia sẻ: “Chức trách, nhiệm vụ của người chỉ huy trưởng cơ quan quân sự là rất nặng nề, cần phải có trình độ tổng hợp và chuyên môn vững vàng. Để làm tốt, cần phải học hỏi những người đi trước, học ở cấp trên, học trong thực tế và học một cách có hệ thống. Chính vì vậy mà sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, tôi đã theo học tiếp lớp đại học chuyên ngành Quân sự cơ sở mặc dù gặp không ít khó khăn, vừa học vừa công tác”.

 

Với hơn 10 năm công tác trong lực lượng vũ trang xã và thị trấn, Huỳnh Tấn Phước được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp và nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Ngoài vai trò Chỉ huy trưởng, Phó bí thư Chi bộ Quân sự, anh còn là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Hòa Hiệp Trung.

 

LẠC HỒNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek