Thứ Sáu, 24/01/2025 03:55 SA
Những chiến sĩ “cứu tàu” tại Trạm Biên phòng Đà Rằng
Thứ Tư, 25/12/2013 08:25 SA

Đứng chân thực hiện nhiệm vụ nơi bến cảng phường 6 (TP Tuy Hòa), cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng (Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên) không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ bình yên một vùng biển đảo mà còn là chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân các làng biển TP Tuy Hòa trên hành trình vươn khơi, bám biển đầy gian nguy, bất trắc.

 

cuuho131225.jpg

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Đà Rằng giúp đỡ ngư dân cứu tàu bị nạn - Ảnh: T.THẢO

VƯƠN THEO NHỮNG CON TÀU

 

Một mùa biển mới lại bắt đầu. Trụ sở làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng (BP) Đà Rằng tại bến cảng phường 6 như rộn ràng hơn trước sự tất bật của hàng trăm gia đình ngư dân chuẩn bị mở biển. Trung úy Trạm trưởng Nguyễn Lê Trúc Thân và thượng úy Trạm phó Nguyễn Ngọc Ry vừa xuống bến tàu kiểm tra, nhắc nhở bà con. Khởi động mùa biển mới cũng là lúc chiếc máy điện đàm của trạm liên hồi hoạt động. Qua sóng đàm thoại, từ các tàu, ngư dân gọi về trạm kể chuyện làm ăn, thông tin những tình hình trên biển. Những gia đình có người thân đi biển cũng thường ghé qua trạm, nghe ngóng tình hình mới thấy yên lòng. “Hơn 10 năm qua, chiếc máy đàm thoại này cùng với thượng úy Ry và anh em Trạm kiểm soát Biên phòng đã cứu giúp hàng trăm tàu thuyền, có cả ngàn ngư dân bị sự cố trên biển, trong đó, không ít người đang cận kề cái chết, đã thoát hiểm trở về”, lão ngư Phan Thuẫn cho biết.

 

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry đã có gần 20 năm làm nhiệm vụ tại trạm vẫn nhớ, những năm đầu khi ngư dân TP Tuy Hòa bắt đầu đi câu cá ngừ đại dương, có những phương tiện đi biển làm nghề, người nhà chờ mãi không thấy về, cũng không biết bất cứ thông tin nào. Có trường hợp, vài tháng sau, ngư dân tỉnh khác thấy có xác tàu trôi dạt, báo cho lực lượng chức năng. Hay tin, người nhà nhờ anh em Trạm Biên phòng đưa đến nơi xem mới nhận ra đó là phương tiện gia đình mình. Thượng úy Ry trăn trở, nếu có một máy đàm thoại để liên lạc, trạm sẽ kịp nắm thông tin các sự cố trên biển, có thể giúp đỡ được bà con ngư dân vượt nguy. Năm 2004, anh thuyết phục Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tuy Hòa đề xuất này. Ngay sau khi đơn vị báo cáo, Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên đã quyết định hỗ trợ đơn vị một máy ICom 710 có khả năng liên lạc xa từ 300 đến 400 hải lý.

 

Với chiếc máy đàm thoại, gần 10 năm qua, thượng úy Ry và đồng đội đã hàng trăm lần nhận được các cuộc gọi từ biển báo tin tàu thuyền bị hỏng máy, phá nước. “Trước hết, chúng tôi mời các thợ máy giỏi đến hướng dẫn ngư dân ngoài biển cách khắc phục sự cố để tiếp tục chuyến đánh bắt. Khi bà con không thể tự khắc phục thì vận động các tàu đánh bắt ở gần đến lai dắt tàu bị nạn vào bờ”, thượng úy Ry nói.

 

NỖ LỰC CỨU HỘ CỨU NẠN

 

Quyển sổ nhật ký theo dõi hành trình của tàu thuyền trên biển từ những cuộc đàm thoại, con số thứ tự đã trên 500. Những dòng tin liên quan đến cứu hộ cứu nạn được ghi bằng bút đỏ. “19/9/2005, biển gió cấp 7, tàu ông Nguyễn Văn Minh (11 người) bị gãy cốt số, gọi chú Mười hướng dẫn sửa, 17 giờ khắc phục xong, tàu tiếp tục chuyến biển; ngày 24/ 11/2008, tàu PY90312 của ông Trần Bông (có 10 lao động) bị gãy láp, đã vận động 3 tàu PY92412 (thuyền trưởng Hoàng Vui), PY 92212 (ông Khánh), PY92411 (ông Lam) lai dắt, ngày 27 vào bờ… Năm 2011, tàu của thuyền trưởng tàu PY91219 TS Phạm Xuân Tránh có 9 lao động, bị tai nạn, chìm sâu giữa biển đêm cách bờ gần 300 hải lý. Sau nhiều nỗ lực của Trạm Biên phòng Đà Rằng và tàu Hải Quân vùng IV trong việc tổ chức ứng cứu, tất cả ngư dân đã trở về an toàn.

Tuy nhiên, chuyện thoát chết lần đó đối với họ đã là điều hết sức kỳ diệu mà 2 năm trôi qua, giây phút kinh hoàng giữa ranh giới sự sống và cái chết vẫn không thể nhạt nhòa. Anh Tránh kể: Chuyến biển đó, tàu bị va vào đá ngầm, phá nước. Gần 10 tiếng đồng hồ, anh em vừa khắc phục, vừa tát nước và gọi về trạm xin ứng cứu. Trạm mở máy liên lạc ra biển nhưng các phương tiện đều đang ở rất xa, chiếc gần nhất cũng đi mất 2 ngày mới tiếp cận được. 17 giờ, chúng tôi nhận tin tàu của Hải quân vùng IV đang trên đường đến cứu. Lúc đó, con tàu chìm hết một nửa và đã bắt đầu chìm nhanh. Sau 1 ngày vật lộn cứu tàu, chúng tôi mệt lả. Trong cơn lo sợ, chúng tôi nghe anh Ry gọi dặn, bằng mọi cách giữ máy Icom để liên lạc. Tôi tìm chỗ cao nhất đưa máy lên. Bóng đêm phủ xuống biển, chúng tôi chờ tàu Hải quân đến cứu trong nỗi hoang mang tột cùng. May qua máy đàm, nghe tiếng anh em trạm liên tục gọi nhắc, trấn an nên có người còn giữ được chút tỉnh táo. Tàu cứu nạn đến, lại không thể tiếp cận vì sợ sóng to gió lớn, giữa đêm tối chắc chắn gây nguy hiểm cho chúng tôi. Sau cuộc điện thoại trao đổi với thuyền trưởng tàu Hải quân, anh Thân và anh Ry hướng dẫn chúng tôi nối dây từ thúng qua tàu Hải quân. Lần lượt, 9 anh em chúng tôi đu bám theo dây, chống chọi với sóng, gió để lên tàu cứu nạn.

 

Thế nhưng, “chuyện tàu bị nạn giữa biển khơi, phần nhiều chỉ trong mùa mưa bão. Bây giờ, ngay trong bờ, nỗi lo tàu thuyền bị nạn lại thường trực, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra”, Trạm trưởng Nguyễn Lê Trúc Thân giãi bày.

 

Bến Đà Rằng nằm ở vùng bãi ngang, dòng chảy thay đổi liên tục, cửa thường bị cát bồi lắp. Những năm gần đây, mỗi năm có hàng chục con tàu đi qua cửa, gặp bãi cạn đã bị sóng đánh chìm. Năm nay, từ đầu mùa mở biển đến nay mới nửa tháng, đã có 3 chiếc ra cửa bị sóng đánh. Trong đó có 1 tàu bị vỡ tan tành, thiệt hại trên 1 tỉ đồng, 2 chiếc được cứu kéo thành công nhưng chi phí khắc phục sự cố cũng mất từ 150 đến 200 triệu đồng. Lão ngư Phan Thuẫn cho biết, mỗi khi tàu ra cửa mắc cạn, anh em của trạm lập tức có mặt bốc chuyển hàng cho tàu nhẹ bớt rồi dốc sức cùng hàng trăm người dân, có khi suốt cả ngày ngâm mình dưới biển để cứu tàu. “Sự giúp đỡ tận tâm, tận lực của cán bộ chiến sĩ Trạm Biên phòng Đà Rằng không chỉ giúp giảm bớt thiệt hại của cải mà còn cho chúng tôi có thêm niềm tin để vươn khơi bám biển. Nhất định, ngư dân chúng tôi sẽ cố gắng làm ăn, làm giàu cho mình, cho xóm làng và không quên trách nhiệm góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Thuẫn xúc động bày tỏ.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek