Vận dụng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào hoạt động giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị Phú Yên vừa là yêu cầu bắt buộc của công tác đào tạo, bồi dưỡng, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường; đồng thời cũng là một kênh quan trọng góp phần đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Nhu cầu tất yếu
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII được tổ chức từ ngày 13-16/10/2020; Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức từ ngày 25/1-1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội đều đã thành công tốt đẹp.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Các văn kiện đại hội được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn; kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong nghị quyết đại hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, là những tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn cho sự phát triển của đất nước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có giá trị định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội trong giai đoạn cách mạng mới.
Ở Phú Yên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là văn kiện mang ý nghĩa quan trọng, thiết thực với công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh trong 5 năm tới, cũng như định hướng chiến lược cho những năm tiếp theo.
Với tầm quan trọng đặc biệt đó, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đòi hỏi phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, thường xuyên trong suốt nhiệm kỳ để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, biến những quyết định của đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế.
Trường Chính trị Phú Yên có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị, hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền; cán bộ, đảng viên MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và kiến thức về một số lĩnh vực khác. Để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ này, viên chức, giảng viên nhà trường phải nghiên cứu, nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách có hệ thống, khoa học, trước khi vận dụng vào giảng dạy. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào hoạt động giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh vừa là yêu cầu bắt buộc của công tác đào tạo, bồi dưỡng, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường; đồng thời cũng là một kênh quan trọng góp phần đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Hiểu rõ và vận dụng đúng các nghị quyết đại hội đảng
Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, yêu cầu thiết thân đặt ra là mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị hơn ai hết phải học tập, quán triệt một cách sâu sắc các nghị quyết của Đảng. Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, khẳng định: Là người giảng dạy, bồi dưỡng, truyền đạt kiến thức về xây dựng Đảng, lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cấp cơ sở, cán bộ đảng viên địa phương, giảng viên Trường Chính trị không chỉ dừng lại ở việc hiểu rõ giá trị cốt lõi của các nghị quyết đại hội, mà còn vận dụng đường lối, quan điểm của nghị quyết vào các bài giảng phù hợp với đối tượng, trình độ đào tạo bồi dưỡng.
Mới đây, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học cấp cơ sở với chủ đề: “Vận dụng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vào giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị”. Hội thảo là diễn đàn khoa học nhằm giúp giảng viên nhà trường quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức, làm rõ và sâu sắc hơn những nội dung mới, nổi bật, trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để vận dụng vào giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cấp cơ sở.
Với tinh thần khoa học, các đại biểu góp ý, trao đổi thẳng thắn, làm sáng tỏ lý luận và thực tiễn về những chủ trương, tư tưởng, đường lối chỉ đạo của Đảng trong các nghị quyết của Đảng; thảo luận, đề xuất các giải pháp, cách thức vận dụng nghị quyết vào giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Hội thảo đã tập trung làm rõ những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, nội dung cốt lõi, những vấn đề mới được nêu trong văn kiện của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; đồng thời vận dụng vào công tác giảng dạy chương trình trung cấp lý luận chính trị và các chương trình bồi dưỡng cho cán bộ cấp cơ sở.
Theo ThS Lương Công Ninh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Trường Chính trị tỉnh xác định, việc tổ chức nghiên cứu nghị quyết của đại hội phải được thực hiện một cách hệ thống, bài bản, sâu sắc, toàn diện để vận dụng vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường là nhiệm vụ trọng tâm. Không chỉ tập trung nghiên cứu sâu về nội dung của nghị quyết mà còn tổ chức nghiên cứu cách thức vận dụng nội dung, kết quả nghiên cứu vào các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII có tầm quan trọng đặc biệt và được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Với Trường Chính trị tỉnh, việc nghiên cứu, vận dụng nghị quyết đại hội của Đảng vào công tác giảng dạy, bồi dưỡng càng phải được tiến hành nghiêm túc, khoa học, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Và quan trọng hơn là đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai nghị quyết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để họ nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo nghị quyết của Đảng gắn với nhiệm vụ thực tế.
Giáo dục, bồi dưỡng chính trị là một nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng, đào tạo cán bộ. Bởi vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thời gian đến, nhà trường cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt cho cán bộ, giảng viên về quan điểm chỉ đạo, tính kế thừa, nhất quán của Đảng; nắm vững những điểm mới, những nội dung mới trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII vận dụng phù hợp vào chương trình giảng dạy, đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời góp phần tuyên truyền hiệu quả, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh |
TRẦN QUỚI