Tuyên truyền về xây dựng Đảng trên báo chí liên quan đến rất nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội. Để có tác phẩm báo chí hay, sinh động, hấp dẫn, sắc sảo, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng đều cho rằng, cần nhiều hơn nữa các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về xây dựng Đảng, nghiệp vụ báo chí. Và quan trọng nhất là mỗi phóng viên, nhà báo tự học, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị.
Đây cũng là lý do để Ban Tổ chức Trung ương, Bộ TT-TT phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước. Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiều điểm mới và quyết tâm mới; quán triệt tuyên truyền đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống thì việc tổ chức tuyên truyền hiệu quả trên phương tiện báo chí, truyền thông là rất quan trọng và cần thiết.
1. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, xây dựng Đảng là mảng đề tài rất rộng, yêu cầu cao và không dễ viết. Để có những cây bút xuất sắc, có tác phẩm báo chí hay đóng góp cho công tác xây dựng Đảng thì cần tập trung đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Báo chí là cơ quan ngôn luận đưa thông tin đến cán bộ, đảng viên, người dân, từ chủ trương, đường lối của Đảng đến các kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xử lý cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng... Do vậy, cần phải phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường định hướng, quản lý chặt chẽ, đề cao sứ mệnh đặt ra cho các cơ quan báo chí trong tình hình mới. Các cơ quan báo chí cần chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; phản ánh những tấm gương của cán bộ, đảng viên về đạo đức, lối sống, là tấm gương tiêu biểu về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phê phán những hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tuyên truyền, phản ánh kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Với tác phẩm báo chí về mảng đề tài xây dựng Đảng, yêu cầu đặt ra là tính chân thực, chính xác, sinh động, tạo sự quan tâm và có ảnh hưởng đến công chúng, đảm bảo đường lối, quan điểm của Đảng. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn, phóng viên, nhà báo và các cơ quan báo chí cần có nhiều bài viết hay, sinh động, hấp dẫn viết về xây dựng Đảng, đặc biệt các tác phẩm báo chí tuyên truyền về đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đưa nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng các cấp đi vào cuộc sống, từ đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước. Thứ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, một trong những điều cần thiết là tạo mọi điều kiện để phóng viên, biên tập viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng Đảng, thông qua đào tạo, các lớp bồi dưỡng, tập huấn.
2. Với các nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí viết và phản ánh về xây dựng Đảng, yêu cầu đặt ra là phải viết đúng, trúng và hấp dẫn. Nhà báo Phạm Văn Trí, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, nói: Lĩnh vực xây dựng Đảng rất rộng và nhiều người cho rằng khó thể hiện; yêu cầu tác phẩm báo chí về đề tài này phải đúng, chính xác trước khi làm cho nó hấp dẫn, sinh động bằng các kỹ năng nghiệp vụ. Tuy nhiên, nếu phóng viên, nhà báo nắm vững kiến thức về xây dựng Đảng, có tâm huyết, tiếp cận nhiều góc độ từ cuộc sống và có chi tiết báo chí thì sẽ rất sinh động. Bởi vậy, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng cho được đội ngũ những người làm báo chuyên viết về xây dựng Đảng, có trí tuệ, tâm huyết là điều rất cần thiết, các cơ quan báo chí luôn quan tâm và có nhiều biện pháp thực hiện.
Tuyên truyền lĩnh vực xây dựng Đảng cũng là nguồn cảm hứng, là chất liệu phong phú; tuyên truyền về xây dựng Đảng chính là gạch nối giữa các nghị quyết của Đảng với đời sống xã hội, biến đường lối, quyết sách của Đảng thành ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Đó là các đề tài về thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, biểu dương gương người tốt, việc tốt, mô hình sáng tạo, là hình ảnh người đảng viên trong đời thường, trong mối quan hệ với quần chúng; là các đề tài đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phản ánh các hiện tượng chi bộ yếu kém, đảng viên suy thoái, vi phạm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Tiến sĩ, nhà báo Đào Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, tuyên truyền về xây dựng Đảng trên báo chí là một nhiệm vụ mà nhiều phóng viên ngại vì “khó, khô và khổ”. Từ khâu xác định nội dung, phát hiện đề tài, khai thác tư liệu, cho đến việc thể hiện tác phẩm đều có những yêu cầu rất cao về kiến thức, vốn sống, nghiệp vụ và sự tâm huyết. Về yêu cầu kỹ năng, nghiệp vụ đối với tác phẩm báo chí nói chung, viết về xây dựng Đảng nói riêng, nhà báo Đào Bá Dung nhấn mạnh nguyên tắc và các tiêu chí: Đúng - Trúng - Hấp dẫn. Đầu tiên, tác phẩm phải đúng chủ trương, chính sách, định hướng. Tiếp theo phải trúng - chính xác, trúng thời điểm, chỉ đạo, sự mong đợi của dư luận. Còn hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn là yếu tố quan trọng để đưa thông tin đến sâu hơn, tác động lớn hơn với bạn đọc và định hướng dư luận.
Bên cạnh việc tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn về kiến thức xây dựng Đảng, kỹ năng, nghiệp vụ báo chí cho người làm báo, phóng viên, biên tập viên, cũng cần nhiều giải pháp, hình thức phong phú, trong đó giải thưởng báo chí chuyên đề, các cuộc thi viết là một giải pháp hay. Từ năm 2016 đến nay, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng do Ban Tổ chức Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Cộng sản được duy trì tổ chức hàng năm đã trở thành diễn đàn lớn để thu hút sự tham gia của các phóng viên, nhà báo với các tác phẩm báo chí hay về công tác xây dựng Đảng. Đây cũng là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, xây dựng bản lĩnh, kỹ năng, nghiệp vụ của người làm báo trên mặt trận tuyên truyền về xây dựng Đảng.
Viết về xây dựng Đảng đòi hỏi phóng viên, nhà báo trước hết phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết, đồng thời có nghiệp vụ tốt, có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về Đảng. Bởi vậy, mỗi người cầm bút không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và thái độ ứng xử đúng mực, cầu thị, lắng nghe, để có bài viết hay, xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Mảng đề tài xây dựng Đảng là lĩnh vực rộng, không chỉ là công tác xây dựng Đảng mà còn là kiểm tra, là cải cách hành chính trong Đảng; là tuyên giáo, công tác tư tưởng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác nội chính, công tác dân vận, vận động quần chúng của Đảng... Đây là mảng đề tài lớn, phạm vi lựa chọn đề tài rộng, nhưng rất khó và yêu cầu rất cao, cần thể hiện sao cho chân thực, chính xác, sinh động, tạo được sự quan tâm, có sự ảnh hưởng đến công chúng, bảo đảm đường lối của Đảng.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai |
TRẦN QUỚI