Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị, điều trước tiên và mang tính quyết định là: Xây dựng Đảng (XDĐ) trong sạch, vững mạnh. Đây chính là nhiệm vụ then chốt trước mắt cũng như lâu dài của các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ). Thực tiễn của Đảng bộ tỉnh cũng đã chứng minh, kết quả công tác XDĐ, xây dựng hệ thống chính trị chính là động lực đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà không ngừng phát triển.
Kế thừa và phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được từ các nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác XDĐ được các cấp ủy đảng trong tỉnh đặc biệt quan tâm, đặt lên hàng đầu, tiếp tục được chú trọng trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ
Để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương và những quyết sách của Đảng, Tỉnh ủy đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 24 chỉ thị, 5 nghị quyết chuyên đề, 60 kế hoạch, 13 chương trình hành động thực hiện các chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy. Trong đó, có 6 chương trình hành động của Tỉnh ủy, 3 nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời tổ chức tổng kết, sơ kết kịp thời các chủ trương của Trung ương đảm bảo tiến độ, chất lượng”, đồng chí Lương Minh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cho biết.
Những chương trình công tác quan trọng này chính là nền móng, là cơ sở quan trọng để các cấp ủy đảng đổi mới phương thức hoạt động, triển khai thực hiện và đạt kết quả khá toàn diện các mặt của công tác XDĐ cũng như trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh…
Đặc biệt chú trọng hàng đầu là công tác chính trị tư tưởng, định hướng dư luận. “Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên định hướng tuyên truyền việc đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống; kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và việc triển khai thực hiện một số dự án lớn trên địa bàn; các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, của tỉnh…, góp phần tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị”, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết.
Một trong những cách làm sáng tạo, nổi bật là Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”.
Theo đó, các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị xây dựng và duy trì nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc làm theo gương Bác, mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, tất cả xã, thôn (buôn) khó khăn và hầu hết hộ nghèo đều được các đơn vị nhận giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau, không ai bị bỏ lại phía sau.
Đại tá Đặng Phú Quốc, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh chia sẻ: Cùng với nhận giúp đỡ xã bãi ngang Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh cũng đã nhận đỡ đầu 39 học sinh nghèo trong chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức trợ cấp 500.000 đồng/học sinh/tháng. Mỗi cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy nhận giúp đỡ ít nhất 1 hộ nghèo. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp vận động xây dựng hàng trăm nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo…
Cùng với giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được các cấp ủy đảng xác định là khâu “then chốt của then chốt”. Đi đôi với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo với sử dụng, thu hút nhân lực trình độ cao, công tác đánh giá cán bộ có nhiều đổi mới, như: ban hành và thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với trưởng các sở, ban ngành khối Nhà nước theo quý; quy định tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo quý đối với chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; quy định đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của trưởng phòng chuyên môn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố…
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được các cấp ủy triển khai tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh thực hiện 128 cuộc thanh tra hành chính, phát hiện 71 cơ quan, đơn vị có sai phạm về kinh tế với tổng số tiền sai phạm hơn 6,5 tỉ đồng và hơn 1.300m2 đất. Qua đó kiến nghị thu hồi toàn bộ số diện tích đất sai phạm và nộp ngân sách nhà nước hơn 2,5 tỉ đồng; kiến nghị xử lý khác với số tiền còn lại; kịp thời đưa ra xét xử đúng pháp luật 11 vụ với 36 bị cáo liên quan đến các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Đi đôi với tăng cường công tác dân vận, công tác kiểm tra cũng được các cấp ủy đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng. Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Bảo Minh, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh trong thời gian qua tập trung đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở, địa bàn dân cư; chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình, điển hình “dân vận khéo” kết hợp với thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Hoạt động của các tổ dân vận thôn, buôn, khu phố phát huy hiệu quả, nhất là trong vận động nhân dân chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng nông thôn mới...
Công tác dân vận chính quyền được chú trọng và có chuyển biến tích cực; các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp chú trọng hơn đến việc tiếp xúc, đối thoại để giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân ngay từ cơ sở. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Cao Thị Hòa An cho biết: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện kịp thời Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và hàng năm của Tỉnh ủy; đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh những hạn chế trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, qua đó giảm bớt sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, đối tượng kiểm tra, giám sát.
Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cũng đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 30, Điều 32 Điều lệ Đảng và chương trình kiểm tra, giám sát từng cấp. Kết quả kiểm tra, giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp ủy đã thi hành kỷ luật 341 đảng viên, bằng 79,5% so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước. Trong đó, khiển trách 161, cảnh cáo 114, cách chức 22, khai trừ 22 đồng chí; chủ yếu là vi phạm những điều đảng viên không được làm, về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản…
Củng cố hệ thống chính trị vững mạnh
Cùng với chăm lo công tác XDĐ, các cấp ủy đảng cũng đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Theo đó, hoạt động của HĐND các cấp ngày càng tốt hơn; chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri không ngừng được nâng cao và ngày càng tăng cường vai trò làm chủ của nhân dân.
Đặc biệt, hoạt động giám sát và chất vấn của HĐND các cấp có sự đổi mới, chuyển biến tích cực, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp giám sát chung và giám sát chuyên đề được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt đến cùng. Qua đó kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân, được cử tri đồng tình và đánh giá cao.
Công tác cải cách hành chính được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tốt, với nhiều cách làm hiệu quả, như: Điều tra sự hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục công lập; phát hành “Sổ tay công tác cải cách hành chính”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; ban hành Quy định thực hiện mô hình hẹn giờ hướng dẫn, kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; thực hiện quy định xin lỗi tổ chức, công dân khi giải quyết thủ tục hành chính sai sót, trễ hạn…
Trong chỉ đạo, điều hành, UBND các cấp thực hiện theo hướng sâu sát, cụ thể hơn, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá. Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có chuyển biến, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.
MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát địa bàn dân cư; kịp thời phản ánh, tham mưu và kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
“Là một công dân, tôi rất hài lòng khi CBCCVC ở các cơ quan, đơn vị của Đảng và Nhà nước đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ theo phương châm “Thân thiện, nghĩa tình; tận tụy, trách nhiệm; kỷ cương, kỷ luật”. Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát địa bàn dân cư; thường xuyên nắm bắt phản ánh và tham gia xử lý các vấn đề bức xúc trong dân, tình hình trật tự ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, ông Dương Tấn Trinh, người dân ở thôn Phước Lương, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa tâm đắc bày tỏ.
LẠC HỒNG