Thứ Tư, 27/11/2024 05:13 SA
Thực hiện Nghị quyết 25 (khóa XI): Công tác dân vận chuyển biến rõ nét
Thứ Ba, 30/10/2018 08:00 SA

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương kiểm tra CTDV tại TX Sông Cầu - Ảnh: XUÂN HIẾU

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận (CTDV) trong tình hình mới” (Nghị quyết 25), CTDV trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

 

Đồng chí Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Bám sát 4 mục tiêu, 5 quan điểm nêu trong Nghị quyết 25 và Chương trình hành động số 17, ngày 26/9/2013 của Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí CTDV trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân.

 

Theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, CTDV hướng mạnh về cơ sở, bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nói đi đôi với làm.

 

Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

 

Một trong những điểm nổi bật trong CTDV, đó là các cấp ủy đảng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

CTDV của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sâu sát cơ sở, gần dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thực sự phát huy vị trí, vai trò: Chính quyền tổ chức CTDV.

 

Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Theo Văn phòng UBND tỉnh, từ năm 2013 đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân theo định kỳ gần 1.100 lượt.

 

Ban tiếp công dân tỉnh tiếp dân thường xuyên hơn 2.000 lượt người; tiếp nhận và xử lý hơn 1.000 đơn thư của người dân, trong đó chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 210 đơn, hướng dẫn công dân gửi 179 đơn, lưu đơn theo quy định 636 đơn (đơn trùng lắp, đơn không rõ địa chỉ, không ký tên, đơn mạo danh, nặc danh...).

 

Tỉ lệ giải quyết đơn thư bình quân đạt trên 80%/năm. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực và đi vào nề nếp đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. UBND tỉnh cũng đã ban hành 28 quyết định về công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 178 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

 

Cũng theo đồng chí Đào Bảo Minh, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo Kết luận 62 của Bộ Chính trị, trọng tâm hướng về cơ sở, khắc phục biểu hiện hành chính hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 29, ngày 10/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị.

 

Trong giai đoạn 2013-2018, Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức và chủ trì giám sát 450 chuyên đề, các đoàn thể CT-XH tỉnh tổ chức giám sát 9 chuyên đề với các nội dung liên quan đến việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên; tổ chức phản biện xã hội 326 cuộc đối thoại với các dự thảo văn bản do chính quyền cùng cấp yêu cầu; tham gia góp ý 802 dự thảo luật, nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật…

 

Tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể CT-XH các cấp được quan tâm, chăm lo, củng cố, kiện toàn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. “Đến nay 100% khối dân vận xã, phường, thị trấn được kiện toàn do đồng chí phó bí thư đảng ủy làm trưởng khối vận, 100% thôn, buôn, khu phố đều thành lập tổ dân vận do đồng chí bí thư chi bộ làm tổ trưởng”, đồng chí Đào Bảo Minh cho biết thêm.

 

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện CTDV được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo thường xuyên. Theo Thường trực Tỉnh ủy, trong giai đoạn 2013-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thành lập 9 đoàn kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTDV theo Chương trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy hàng năm đối với 34 địa phương, 23 đơn vị trên địa bàn tỉnh; đồng thời giao Ban Dân vận Tỉnh ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề nhằm kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện.

 

Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời chấn chỉnh các địa phương, đơn vị chưa triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về CTDV, dân tộc, tôn giáo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

Tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có hơn 4.200 mô hình, điển hình tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có 1 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 1 tập thể và 2 cá nhân được Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen; 9 tập thể, 6 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen.

 

“Kết quả đạt được trong CTDV đã góp phần phát huy dân chủ, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh như mục tiêu Nghị quyết 25 và Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy đã đề ra”, đồng chí Đào Bảo Minh khẳng định.

 

Sáu nhiệm vụ và giải pháp cơ bản

 

Tuy nhiên, qua thực hiện Nghị quyết 25 đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo CTDV; CTDV chính quyền một số nơi chưa tốt, còn để đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT-XH chưa theo kịp với thực tiễn cuộc sống; một số phong trào thi đua chưa thiết thực, hiệu quả thấp…

 

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 25, theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Bảo Minh, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản.

 

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc các mục tiêu quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết 25 đề ra và Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 25 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về CTDV, dân tộc, tôn giáo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

 

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo CTDV của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo Kế hoạch 116 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 144 của Ban Bí thư và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Đồng thời thực hiện tốt các nội dung, giải pháp CTDV theo các chương trình phối hợp công tác đã được ký kết giữa các cơ quan, đơn vị liên quan.

 

Ba là, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể CT-XH, tập trung hướng về cơ sở; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò MTTQ, các tổ chức CT-XH trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình nhân dân; chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu cho cấp ủy, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tham mưu kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức hướng dẫn nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Năm là, lãnh đạo củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, MTTQ và các đoàn thể CT-XH các cấp; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong vận động quần chúng.

 

Sáu là, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 99, ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định 124, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek