Đảng bộ xã An Thạch có 11 chi bộ trực thuộc, trong đó có 5 chi bộ thôn, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ quân sự, 1 chi bộ cơ quan và 1 chi bộ y tế với 150 đảng viên. Phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, Đảng bộ đã lãnh đạo chính quyền, Mặt trận, các tổ chức hội đoàn thể và quần chúng nhân dân từng bước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả.
Mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Xã An Thạch có đến 60,41% dân số theo đạo. Trong đó, Thiên Chúa giáo chiếm 33,19% (586 hộ), Phật giáo chiếm 25,94% (450 hộ), còn lại là đạo Cao Đài (1,18%), Tin Lành (0,1%). Với đặc điểm dân cư như vậy nên An Thạch được xem là “xứ đạo” của Tuy An và nổi tiếng với nhà thờ Mằng Lăng, nhà thờ Chợ Mới…
Những năm 80 của thế kỷ trước, xã An Thạch được biết đến với phong trào hợp tác xã phát triển rất mạnh, là nơi có năng suất lúa đạt cao nhất vùng, nhiều nơi khác đến tham quan học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên đến nay An Thạch vẫn còn 242 hộ nghèo, chiếm trên 13% tổng số hộ. Theo Chủ tịch UBND xã An Thạch Lê Anh Nhật, nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển của xã trong thời gian qua là do nguồn lực để phát triển kinh tế còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm… Mặt khác, do có vị trí trũng thấp nên An Thạch thường xuyên chịu sự tác động trực tiếp bởi lũ lụt hàng năm.
Xác định rõ lợi thế cũng như “điểm yếu” của mình, trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã An Thạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó chỉ đạo HTX nông nghiệp xây dựng đề án nuôi cá chạch, cá thác lác 3 chấm bước đầu mang lại hiệu quả. Đồng thời tiếp tục phát triển mạnh cây lúa nước, xây dựng mô hình lúa thuần chủng, áp dụng sạ thưa sạ hàng…
Kết quả vụ đông xuân 2018, năng suất lúa bình quân trên địa bàn đạt hơn 75 tạ/ha/vụ, đứng đầu toàn huyện. Một số mô hình, cách làm kinh tế mang lại hiệu quả gần đây, như mô hình trồng dưa hấu ở thôn Quảng Đức; mô hình trồng hoa, nhất là mô hình sản xuất kinh tế vườn đồi ở thôn Hà Yến. “Tận dụng số khoảnh đất trống ở núi 1 (thôn Hà Yến), một số hộ gia đình trồng các loại hoa, bí ngô, đu đủ, mãng cầu, đậu xanh, ớt… cho thu nhập khá cao. Tiềm năng của An Thạch là phát triển du lịch văn hóa tâm linh”, ông Lê Anh Nhật cho biết.
Những năm gần đây thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của xã An Thạch đã vận động các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp công sức, tiền của góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày một khang trang.
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã An Thạch Bùi Văn Bộ cho biết: Đảng ủy đã xây dựng Chương trình hành động phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn từ năm 2008. Qua thực hiện chương trình này, diện mạo nông thôn thay đổi hẳn; đời sống vật chất tinh thần của người dân, nhất là nông dân được cải thiện; năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi được nâng lên.
Còn ông Trần Lại, một giáo dân ở thôn Hội Tín thổ lộ: “Đời sống của người dân nói chung, bà con giáo dân nói riêng được như ngày hôm nay là nhờ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; cấp ủy, chính quyền địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng; bà con lương giáo đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn. Với đà này, trong tương lai không xa, An Thạch sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới”.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đi đôi với lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và để làm tốt vai trò này, Đảng bộ xã An Thạch thường xuyên tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bí thư Đảng ủy Ngô Tấn Lang thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh những hạn chế, tồn tại vì yếu tố khách quan do mặt trái của cơ chế thị trường, việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của một số cấp ủy, đảng viên còn chậm; năng lực, hiệu quả lãnh đạo chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Một số chi bộ đa phần đảng viên đều có mối quan hệ gia đình, dòng họ, vì vậy tính chiến đấu, công tác tự phê bình và phê bình còn hạn chế… Có trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải xử lý kỷ luật. Những điều này ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh…
Từ thực tế của Đảng bộ, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, Đảng ủy xã An Thạch đã tổ chức triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên và các tổ chức hội, đoàn thể gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo đó, 100% đảng viên đều viết bản cam kết thực hiện làm theo, đề ra biện pháp tự rèn luyện, tự soi, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Qua đó góp phần ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Kết quả phân loại tổ chức cơ sở đảng năm 2017: Chi bộ Quân sự được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu; 5 chi bộ trong sạch vững mạnh và 5 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Trần Minh, Bí thư Chi bộ thôn Quảng Đức, chia sẻ: “Căn cứ 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, cấp ủy chi bộ hướng dẫn cho đảng viên viết cam kết thực hiện “tự soi, tự sửa”. Từ khi triển khai thực hiện đến nay chi ủy chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Năm 2017, Chi bộ thôn Quảng Đức được công nhận trong sạch vững mạnh”.
XUÂN HIẾU