Trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, không thể không nói đến tin đồn. Đây thường là những thông tin không chính thống, khó kiểm chứng được độ xác thực, thường được “sản xuất” bởi những cá nhân hay tập thể nào đấy. Đây thường là những thông tin chủ quan, phiến diện nhằm gây sự chú ý hay mua vui; nhưng cũng không ít thông tin được tung ra theo một chủ đích, quy trình hẳn hoi nhằm âm mưu nói xấu, vu khống để triệt hạ ai đó vì mục đích chính trị…
Loại thông tin thứ nhất thường xuất hiện trong lúc vô công rỗi nghề, kiểu như “Nghe nói ở xã X có ông Y có đến 8 bà vợ mà vẫn chung sống rất hạnh phúc!”, “Ở tỉnh T vừa phát hiện cá thần nặng gần 100 ký và người dân đến thờ cúng đông lắm!”… Thứ thông tin này thường đánh vào sự tò mò của người khác để mua vui kiểu rôm rả bàn luận, bình phẩm một hồi rồi sau đó mạnh ai nấy giải tán. Còn loại thông tin thứ hai hay “có mặt” ở các bàn nhậu, bàn trà của các ông - thường được gọi là “thông tấn xã vỉa hè” - thông thường là các tin tức liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, nhất là những vấn đề “nóng” mà người dân đang quan tâm. Trong đó, nổi bật là những thông tin về tài sản, tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ các cấp, công tác nhân sự trước các kỳ đại hội đảng… mà mức độ thực tế của nó được bao nhiêu phần thì chỉ có trời mới biết! Nếu ai lỡ “dính” vào một “trời” thông tin như thế này thì sẽ được nghe đủ lời “bình loạn”, đánh giá đủ chiều với nhiều cấp độ khác nhau nên không biết đâu mà lần. Chưa kể nếu trong đám quý ông trà dư tửu hậu đó, có kẻ xấu lẫn vào dùng lời lẽ kích động tinh vi, “có ít xít ra nhiều” thì tình hình càng trở nên phức tạp. Vì thế, sau khi tham gia những lần như vậy, nếu có người nào đâm ra hoang mang vì thấy xã hội sao chỉ toàn chuyện bất ổn thì cũng không có gì là lạ…
Thời bao cấp, do cuộc sống khép kín và nhất là chưa có công nghệ hỗ trợ, mức độ lan tỏa của thông tin rất nhỏ và chỉ trong phạm vi hẹp. Còn bây giờ thì ôi thôi, với sự giúp sức của internet và mạng xã hội, chỉ trong tích tắc, tin đồn lan nhanh hơn lửa gặp gió với cấp số nhân và với vùng phủ sóng thật rộng vô cùng. Nếu ngày trước tin đồn đơn thuần chỉ có lời lẽ thì bây giờ, nó còn đi kèm với hình ảnh, video clip, tin nhắn… trình độ cắt xén, cắt ghép, thêu dệt của “người sản xuất” rất tinh vi nên thật giả cứ xen lẫn, trà trộn thật nguy hiểm. Trong đó, nổi bật là những tin đồn về sinh hoạt tình cảm, đời sống riêng tư của cá nhân… mà vụ “nhắn tin” giữa “hotgirl” với một cán bộ ở tỉnh Thanh Hóa vừa xuất hiện trên facebook gần đây là một ví dụ sinh động!
Để không bị dẫn dắt và bị “xỏ mũi” bởi tin đồn, cách đề kháng tốt nhất là mỗi người (đặc biệt là cán bộ, đảng viên) hãy tự bảo vệ mình bằng cách luôn tỉnh táo, phân tích, đánh giá mọi thông tin mà mình được cập nhật. Không nên sa đà, hứng thú và cổ vũ cho sự lây lan của tin đồn, nhất là những thông tin mà mình chưa rõ đầu cua tai nheo, những thông tin không có lợi, đi ngược lại sự phát triển của xã hội. Nếu cán bộ, đảng viên nào mà ngày nào cũng cứ chăm bẵm dõi theo, hóng hớt, say mê bàn luận và tiếp tay phổ biến tin đồn (dù vô tình) thì chính là đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vậy!
THIỆN VĂN