Những năm qua, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác này đã gắn kết chặt chẽ và có hiệu quả với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên các lĩnh vực được triển khai với nhiều hình thức đa dạng mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được chú trọng, góp phần quan trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức 220 lớp, với 16.263 học viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Việc đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện giảng dạy và học tập lý luận chính trị được đề cao. Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chống lại các luận điểm sai trái, thù địch; chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã có những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, công tác giáo dục lý luận chính trị thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là việc giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, cơ sở có nơi, có lúc chưa được coi trọng; việc cử cán bộ, đảng viên đi học tập, bồi dưỡng còn chồng chéo, bất cập. Đội ngũ giảng viên tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đa số là kiêm nhiệm, một số trường hợp thiếu kiến thức sư phạm, ít có kinh nghiệm trong giảng dạy các bài giảng về chính trị; giảng viên chính thức thì một số chưa được đào tạo bài bản, chưa có hệ thống về kiến thức sư phạm, kỹ năng giáo dục lý luận chính trị. Phương pháp giảng dạy còn một chiều, thiếu trao đổi, thảo luận; công tác quản lý lớp học, kiểm tra, đánh giá học viên chưa thực sự chặt chẽ; ý thức tự giác cũng như tính kỷ luật của học viên trong quá trình học tập lý luận chính trị chưa cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác giáo dục lý luận chính trị ở một số trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn thiếu, xuống cấp.
Có thể khẳng định, mặc dù còn những khó khăn, hạn chế nhưng công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh những năm qua cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong quá trình thực hiện, có thể rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
Một là: Xác định công tác giáo dục lý luận chính trị nói chung, đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ cơ sở nói riêng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy các cấp (không phải là nhiệm vụ của chỉ Ban Tuyên giáo hay của các trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị); phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy.
Hai là: Xây dựng được đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt, đủ trình độ, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phải có tính ổn định tương đối để thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị.
Ba là: Gắn kết quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng học viên. Nhiều năm liền, Phú Yên thực hiện khá tốt việc này, thường xuyên khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các học viên sau đào tạo, bồi dưỡng để đánh giá chất lượng hiệu quả đào tạo; từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý.
Bốn là: Thường xuyên cập nhập, đổi mới nội dung các chương trình đào tạo bồi dưỡng phù hợp với thực tiễn qua từng giai đoạn; gắn đào tạo bồi dưỡng với học tập trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng từ những cách làm hay, việc làm giỏi của các địa phương, đơn vị.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, khắc phục những hạn chế, khó khăn, nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị trong những năm tới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ. Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề. Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức, là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có nhiệm vụ làm giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Thứ ba, cần có sự tổng kết, đánh giá toàn diện về việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW, ngày 3/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của bộ máy trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện nhằm đánh giá đúng những thành tựu và những yếu kém của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, về nội dung các chương trình giảng dạy; về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng; về tổ chức bộ máy; về kinh phí và chế độ chính sách; về cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động; sự chỉ đạo lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện về quan hệ của trung tâm bồi dưỡng chính trị với các cơ quan có liên quan. Phát hiện, xây dựng những điển hình tốt để học hỏi, tổng kết bài học kinh nghiệm sau hơn 20 năm hoạt động của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Có những biện pháp cụ thể để tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Thứ tư, đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác giáo dục lý luận chính trị ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đảm bảo đáp ứng được hoạt động và yêu cầu công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay.
NGUYỄN VĂN SỰ
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy