Đám cà phê sáng chủ nhật đang rôm rả đủ chuyện dưới đất trên trời thì chuông điện thoại của T vang lên. Sau khi nghe nội dung, anh nói với tôi và các bạn: Mấy ông tiếp tục nghe. Còn hội bù khú trưa nay chắc mình xin phép không dự luôn. - Thế có chuyện chi mà gấp gáp vậy? Nghe hỏi, T trả lời: Có ông anh ở gần nhà mình bỗng dưng xây xẩm mặt mày rồi té ngồi ngay trước cửa, nghi là bị đột quỵ! Bà xã gọi mình về gấp để xem tình hình có giúp được gì không, nghe nói có khả năng là vô bệnh viện luôn! - Ông cứ ngồi đây đi, “không có mợ thì chợ vẫn đông”, vẫn còn bao nhiêu người khác ở đó, hơi đâu mà dính vô cho mệt. Lâu lắm bầu bạn bọn mình mới có dịp rảnh rỗi ngồi lại mần mấy ly, không có ông ôm đàn hát mấy bài bolero thì sao vui nổi? - Nhưng mình cũng phải về coi thử, dù sao cũng là hàng xóm mà. Tạm biệt các chiến hữu nghe. Nếu kết quả khả quan, mình sẽ sớm quay lại!
Thân thiết với nhau từ hồi còn học cấp hai trường làng nên tôi biết T rất rõ. Anh sống chan hòa, luôn có trước có sau với mọi người. Hiện là phó giám đốc trực, bí thư đảng ủy của một ngành thuộc loại “siêu” của tỉnh nhưng ở đơn vị, anh được đồng nghiệp và cấp dưới quý mến vì phong cách làm việc nghiêm túc nhưng thoải mái, gần gũi nhưng không buông tuồng, luôn lấy sự công khai, minh bạch và quyền lợi chung của tập thể làm trọng. Còn ở khu dân cư nơi đang sống với gia đình, anh cũng được người dân trân trọng, yêu quý vì tác phong sâu sát, gắn bó, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia vui buồn với bà con. Vì thế, việc anh phải rời cuộc vui với bạn bè để về nhà như vừa kể là chuyện dễ hiểu. Tôi nhớ có lần ghé nhà anh để mượn mấy quyển sách về đọc. Đang trò chuyện thì một bà lão bước vào, tay xách một cái túi đen, nói: Nhà cô ở quê vừa có trái mít chín tới, cô mang qua mấy múi để gia đình ăn cho vui nghe. T nhận, cảm ơn và sau đó cho biết người dân trong khu phố mình ở tình cảm lắm, có gì ngọt bùi cũng san sớt cho nhau. Tôi nói: Thì ông sống tử tế với bà con nên bà con cũng tử tế lại, đúng chưa? T cười: Không biết ông nghĩ sao chớ tôi thấy bọn mình hàng ngày sau 8 giờ làm việc ở công sở thì lại về với dân. Công tác mấy mươi năm, “hạ cánh an toàn” hay không thì chúng ta rốt cuộc cũng lại quay về và sống trong dân. Vì thế, mắc mớ chi mà không thân thiện, đàng hoàng với bà con. Được dân thương, dân mến, chỉ có hạnh phúc thôi. Để cho dân ghét thì chỉ một ánh nhìn cũng thấy mệt mỏi lắm, phải không nào?
Phải công nhận T phân tích có lý và nói cho cùng, chuyện gần dân của anh là không mới. Nhưng lâu nay, trong thực tế cuộc sống, vẫn còn đâu đó một số cán bộ, công chức khi xong việc ở cơ quan, công sở về khu dân cư lại sống khép kín, tách biệt theo kiểu “cửa đóng, then cài”, “đèn nhà ai nấy sáng”, ít gặp gỡ, tiếp xúc với chung quanh. Khi tổ dân phố tổ chức họp hay dọn vệ sinh công cộng thì cử vợ, con đi thay vì “bận công tác” hay những lý do nào đó. Thành ra, vô tình tạo nên sự xa cách thật không có lợi cho mối quan hệ giữa dân với Đảng và chính quyền. Thành ra, chuyện gần dân của T tuy cũ mà vẫn luôn mới là vậy…
THIỆN VĂN