Ba năm qua, việc thực hiện Kế hoạch 68-KH/TU về triển khai thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” (Kế hoạch 68) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả đáng khích lệ.
Thường trực Tỉnh ủy trao bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện Kế hoạch 68 thời gian qua - Ảnh: THẠCH BÍCH |
Hình thức giúp đỡ đa dạng, thiết thực
Trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể cho các bộ phận, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tích cực huy động nguồn lực tại chỗ và các nguồn lực khác từ xã hội để giúp đỡ các xã, thôn, buôn khó khăn vươn lên thoát nghèo. Các huyện, thị, thành ủy có văn bản phân công các cơ quan, ban ngành cấp huyện giúp đỡ các thôn (buôn) đặc biệt khó khăn và thôn khó khăn ở địa phương. Qua đó, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức khảo sát thực tế, nắm tình hình và bàn biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả. Đồng thời phân công cán bộ giữ mối liên hệ thường xuyên với chi ủy, ban nhân dân và ban công tác Mặt trận thôn (buôn) để trao đổi, nắm bắt kịp thời các đề xuất, kiến nghị xuất phát từ nhu cầu của địa phương phù hợp với khả năng, điều kiện của cơ quan, đơn vị mà có biện pháp giúp đỡ phù hợp.
Cụ thể, huyện Tuy An đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc từ huyện đến cơ sở với 51 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện giúp đỡ 32 thôn khó khăn và 1.349 hộ nghèo thuộc 15 xã ở địa phương này. Các cơ quan, đơn vị có sự chủ động, sáng tạo trong vận dụng mô hình vào thực tiễn, thống nhất nội dung, biện pháp giúp đỡ đạt nhiều kết quả thiết thực. Qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức đúng đắn về mô hình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tiếp cận nắm bắt tình hình, nguyện vọng của các xã, thôn, hộ nghèo, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện. Còn tại huyện Sông Hinh, 60 cơ quan, đơn vị của huyện và tỉnh đã giúp đỡ 38 thôn, buôn đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, không riêng các huyện, thị xã, thành phố, 3 năm qua, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã giúp đỡ 62 xã (19 xã miền núi đặc biệt khó khăn, 16 xã bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn, 27 xã nghèo còn khó khăn) với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị và đáp ứng nhu cầu của địa phương. Đó là hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác, xây dựng tủ sách pháp luật, làm đường liên thôn, chỉnh trang và hỗ trợ thiết bị cho các trạm y tế xã và trường học, làm đèn chiếu sáng đường quê, tư vấn pháp luật, xây dựng sân bóng đá bóng chuyền, khám bệnh và cấp phát thuốc cho hộ nghèo, gia đình chính sách… Bên cạnh giúp đỡ về vật chất, các cơ quan, đơn vị còn đóng góp hàng ngàn ngày công làm đường bê tông, xây nhà Tình thương… mang lại bộ mặt mới cho nhiều vùng quê nghèo.
Song song đó, việc giúp đỡ hộ nghèo bước đầu đạt kết quả tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương được giúp đỡ rà soát, thống kê số hộ nghèo theo thứ tự ưu tiên, có chú giải về điều kiện, khả năng vươn lên thoát nghèo để xem xét, chọn lựa giúp đỡ. Tùy vào điều kiện thực tế, trên cơ sở kết quả rà soát số hộ nghèo cần giúp đỡ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phân công cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo từng tổ, nhóm và phân công từng đoàn thể trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo. Sau khi được phân công, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các đoàn thể đã chủ động tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hộ nghèo để có kế hoạch giúp đỡ trước mắt và lâu dài. Nhờ vậy đến nay, hàng ngàn hộ nghèo được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn tỉnh chọn, giúp đỡ thông qua các hình thức: xóa nhà ở tạm, cho mượn vốn kinh doanh, mượn vốn chăn nuôi; tư vấn, tạo điều kiện cho vay vốn; hỗ trợ cây giống, con giống; đỡ đầu cho con em các hộ nghèo có tinh thần vượt khó học giỏi đến khi tốt nghiệp THPT; tặng quà nhân dịp lễ tết…
Điển hình như Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, bên cạnh giúp dân làm đường bê tông, bê tông hóa sân trường, khắc phục sạt lở do triều cường, khám và cấp thuốc miễn phí, đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn…, đơn vị này đã nhận giúp đỡ 2 hộ nghèo Nguyễn Văn Nam, Trần Thị Phơi ở thôn Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa). Bằng các biện pháp như hỗ trợ tiền và ngày công lao động làm chuồng trại, tiền mua heo giống và thức ăn chăn nuôi…, đến cuối năm 2015, hai hộ này đã thoát nghèo.
Gắn kết ý Đảng lòng dân
Có thể khẳng định rằng, công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai Kế hoạch 68 khá đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có sự chủ động, sáng tạo trong vận dụng mô hình vào thực tiễn, phối hợp trao đổi, thống nhất nội dung, biện pháp giúp đỡ, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có nhận thức đúng đắn về mô hình, thể hiện sự đồng tình cao nên luôn tự giác, tích cực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tiếp cận nắm bắt tình hình, nguyện vọng của các xã, thôn, hộ nghèo để tham mưu kịp thời cho cấp ủy, cơ quan, địa phương triển khai nhiều nội dung giúp đỡ thiết thực, góp phần tạo sự gắn bó giữa cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân.
Trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Việc thực hiện hiệu quả các mô hình đã góp phần, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở trong quá trình triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từng tổ chức, cơ quan, cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình với nhân dân, với Đảng. Qua đó có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hạn chế tình trạng quan liêu, xa dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên Nguyễn Khoa Trình chia sẻ: Việc thực hiện Kế hoạch 68 đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó, sẻ chia với cộng đồng trong mỗi cán bộ, nhân viên công ty. Qua đó tạo động lực để cán bộ, nhân viên tích cực công tác, phục vụ nhân dân tốt hơn và góp phần xây dựng ngành vững mạnh, xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp.
Bên cạnh những kết quả khích lệ nói trên, theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, việc thực hiện Kế hoạch 68 của nhiều cơ quan, đơn vị chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, còn lúng túng trong nội dung, hình thức, phương pháp giúp đỡ, chưa chú trọng phát huy thế mạnh của các cơ quan, đơn vị trong việc giúp đỡ thôn (buôn), hộ nghèo; chỉ dừng lại ở mức thăm, tặng quà, chưa bám sát với địa phương, hộ nghèo để có kế hoạch giúp đỡ phù hợp với thực tế; nguồn lực chủ yếu vận động từ sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cách thức giúp đỡ còn mang tính chung chung, hiệu quả chưa rõ nét. Một số cơ quan, đơn vị chưa có nhiều cách làm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong quá trình thực hiện, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất, ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các hộ nghèo để đẩy nhanh tiến độ thoát nghèo bền vững. Một bộ phận hộ nghèo còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ vật chất của Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị, địa phương; thiếu quyết tâm, tự lực vươn lên trong lao động, sản xuất... Vì vậy, trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan cần rà soát lại các xã, thôn, buôn khó khăn trên địa bàn tỉnh nhằm phân công các cơ quan, đơn vị tiếp tục giúp đỡ đạt hiệu quả cao hơn, phân công cho phù hợp với tiềm lực của đơn vị giúp đỡ và mức độ khó khăn của đơn vị được giúp đỡ.
Trong 3 năm thực hiện Kế hoạch 68, bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 111 tỉ đồng. Mới đây, qua sơ kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng bằng khen cho 18 tập thể có thành tích xuất sắc nhất. Trong đó có thể kể đến những đơn vị tiêu biểu như Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công ty Điện lực Phú Yên, Đảng bộ xã An Hải (huyện Tuy An), Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh)… |
NAM THÀNH