Thứ Ba, 29/10/2024 06:16 SA
Thực hành tiết kiệm theo Di chúc của Bác Hồ:
Nêu cao tính “tự miễn dịch”, gương mẫu của người đứng đầu
Thứ Ba, 30/09/2014 07:34 SA

Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trước khi về với “Mác Lê nin thế giới người hiền” (Tố Hữu), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. 45 năm qua (1969-2014), lời dạy của Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí vẫn còn nguyên giá trị.

 

Theo PGS, TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), quan điểm tiết kiệm của Bác Hồ là không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi, phải biết quý từng đồng tiền hạt gạo của nhân dân. Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu. Cái gì có lợi cho nước cho dân thì dù tốn bao nhiêu cũng phải tiêu. Sinh thời, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến khi về cõi vĩnh hằng, dù là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước, Bác Hồ cũng không dành và không đòi hỏi cho mình một sự ưu đãi nào. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Bác vẫn cùng ăn cơm chung với anh em trong cơ quan Bắc Bộ Phủ, cũng một suất ăn bình thường như bao đồng chí khác. Trở về Hà Nội lần thứ hai, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, với cương vị là Chủ tịch nước, nhưng Bác không ở dinh Toàn quyền lộng lẫy, khang trang mà ở ngôi nhà của một người thợ điện cũ chỉ có 3 phòng nhỏ đơn sơ. Đến năm 1958, Bác chuyển hẳn sang ngôi nhà sàn gỗ mà ngày nay đã đi vào huyền thoại đẹp đẽ của cuộc đời Người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân của mình, Bác Hồ luôn nêu cao hình ảnh người cán bộ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Không những nói và viết nhiều về vấn đề này, bản thân luôn sống giản dị và cần kiệm hàng ngày, Bác còn nghiêm khắc với những người vi phạm như đã bác đơn xin tử hình của đại tá Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha Quân nhu thời kháng chiến chống Pháp. Là cán bộ cao cấp của quân đội, lẽ ra Trần Dụ Châu phải ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình trong cuộc kháng chiến nước sôi lửa bỏng của dân tộc. Nhưng khi nắm trong tay một khối lượng lớn tài sản và tiền bạc, lợi dụng cơ chế kiểm tra, kiểm soát những năm ấy còn lỏng lẻo, do không tự rèn luyện đạo đức cách mạng, Trần Dụ Châu dần dần đi vào con đường ăn chơi trụy lạc, lãng phí, tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái các quy định khiến cho một khối lượng lớn tài sản, tiền bạc của Nhà nước bị chiếm đoạt và thất thoát.

 

Liên hệ với thực tế nước ta hiện nay, có thể nói, 45 năm qua, những lời dạy của Người vẫn còn giá trị thực tiễn vô cùng sâu sắc. Lâu nay, do sự biến chất, thoái hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, ở nước ta tình trạng lãng phí, tham ô, tham nhũng còn xảy ra nhiều và diễn biến tinh vi, phức tạp, thậm chí có người cho rằng đã thành “quốc nạn”. Lãng phí, tham ô, tham nhũng “góp phần” làm suy yếu nguồn lực quốc gia, làm giảm sút tính cạnh tranh của nền kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Lãng phí, tham ô và những hệ lụy nhãn tiền của nó lâu nay (nhất là qua các vụ án lớn đã và đang bị điều tra, xét xử) chính là “cơ hội vàng” để các thế lực thù địch có cớ nói xấu, bôi bác, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo bởi hầu hết những bị cáo chủ chốt trong các vụ án này đều là cán bộ, đảng viên…

 

Phải làm gì để tiếp tục thực hiện và nhất là thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, tham nhũng trong thời gian tới? Trước hết, người đứng đầu, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt từ Trung ương đến cơ sở phải thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phê bình và tự phê bình, “nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nếu người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp biết “tự miễn dịch” trước mọi cám dỗ vật chất tất thực hành tốt tiết kiệm, chống lãng phí, thì sẽ giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật cơ quan, địa phương, đơn vị, cấp dưới có muốn tham ô, lãng phí cũng không có “đất” để thực hiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, kê khai tài sản cá nhân phải tiến hành thực chất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng làm tù mù và hình thức như lâu nay. Đồng thời có biện pháp thu hồi cho được tài sản công mà những kẻ tham ô, tham nhũng đã chiếm đoạt. Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý tham ô, tham nhũng, lãng phí, vi phạm thực hành tiết kiệm chưa kiên quyết, công minh, chưa xứng tầm, còn “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” nhiều quá. Vì thế, sắp tới, cần đảm bảo việc xử lý các cá nhân vi phạm đảm bảo nghiêm minh, đúng người, đúng tội để cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí mà Đảng ta đang khởi xướng vậy.

 

TÂN NHÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek