Chiều qua, đến công tác tại xã X., tôi ngạc nhiên khi thấy đông đảo người dân ra vào nơi đây với vẻ mặt căng thẳng. Trong đó, nhiều nhất là phụ nữ, có cô bước vào rồi vội vã đi ra, vừa đi vừa khóc nức nở trông rất thảm. Nghe tôi hỏi nguyên nhân, anh cán bộ văn phòng UBND xã trả lời với vẻ mệt mỏi: Tất cả đều là do nhẹ dạ cả tin và lòng hám lợi mà ra hết thôi!
Tranh thủ lúc gần trưa, khi mọi người đã ra về hết, phó trưởng công an xã X. mới chậm rãi kể cho khách nghe đầu đuôi sự vụ. Thì ra cách đây 1 năm, bà Năm ở thôn T. nói với nhiều người rằng cháu mình ở nước ngoài về đang cần một số tiền lớn để mở nhà máy trên tỉnh. Nếu người dân trong thôn, trong xã ai có tiền nhàn rỗi cho cháu bà mượn thì được hưởng lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng, trả định kỳ hàng tháng. Nghe thế, bà con rủ nhau mang tiền tới gửi bà Năm. Nhà có sẵn tiền bạc rủng rẻng không nói, nhiều gia đình kinh tế còn rất khó khăn cũng rủ nhau huy động nội bộ con cái, anh em, dòng họ… được bao nhiêu đem “cúng” bấy nhiêu. Theo lời anh phó trưởng công an xã, qua trình báo của các nạn nhân, nhà ít nhất cũng “góp” cho bà Năm vài chục triệu đồng, còn cao nhất thì lên đến vài tỉ đồng. Tổng số tiền bà này gom của người dân địa phương lên đến gần 10 tỉ đồng! Y lời hứa, cứ đến tháng, bà Năm trả lãi suất đều đặn. Cho đến cách đây 3 tháng, bỗng dưng bà “lặn” mất tăm. Khi các khổ chủ phát hiện ra tình hình, rủ nhau kéo đến nhà thì chỉ thấy cửa đóng then cài. Thì ra bà đã cùng chồng và 2 con gái trốn đi biệt tăm biệt tích. Đau khổ cùng cực, hoảng loạn thất thần vì xót của, người dân chỉ biết kéo đến báo công an xã nhờ giải quyết. Nhưng các anh chỉ biết ghi nhận sự việc để báo về huyện phối hợp điều tra, xác minh…
Sau khi nắm rõ sự tình, tôi liên hệ tìm gặp chủ tịch UBMTTQ Việt Nam và lãnh đạo các đoàn thể xã. Khi được hỏi Mặt trận và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh có biết việc bà Năm lợi dụng lấy tiền của người dân không, chủ tịch Mặt trận xã nói rằng ông có nghe nhiều người phản ánh. Nhưng nghĩ rằng đây là “chuyện riêng” của bà con, mình cũng không nên “dính” vô làm chi cho phiền. Nếu có gì xảy ra thì đã có chính quyền, công an giải quyết theo quy định pháp luật. Trong khi đó, cán bộ Mặt trận từ xã đến thôn bận “trăm công nghìn việc”, nhất là phải vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới! Thành ra…
Lâu nay, ở các địa phương thỉnh thoảng xảy ra vỡ nợ, vỡ hụi khiến nhiều hộ lâm vào cảnh tán gia bại sản, tự tử, tan vỡ rất thương tâm. Thiết nghĩ, nếu ngay từ đầu, ban công tác Mặt trận, chi hội đoàn thể ở các khu dân cư mà quyết liệt vào cuộc, kiên trì khéo léo tuyên truyền, vận động người dân không tin vào lời lẽ mật ngọt chết ruồi của kẻ lừa đảo thì chắc chắn sẽ hạn chế, giảm thiểu những bi kịch như đã thấy trong đời sống!
SÔNG BA HẠ