Kể từ khi Báo Người cao tuổi đăng những thông tin về tài sản, ký quyết định bổ nhiệm nhiều cán bộ trong một thời gian ngắn trước khi nghỉ hưu của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đến nay đã gần 1 tháng. Trong thời gian ấy dư luận xôn xao, nhiều đánh giá, bình luận, ý kiến hoài nghi, thắc mắc nhưng không có một ý kiến nào của các cơ quan có trách nhiệm về những thông tin trên. Không riêng ông Trần Văn Truyền, một số cán bộ cao cấp khác đã nghỉ hưu hoặc đương chức, khi báo chí đã đưa tin về những khối tài sản lớn bị dư luận xã hội phê phán nhưng cũng không được cơ quan nào có trách nhiệm lên tiếng khẳng định thông tin đó đúng hay sai. Liệu những thông tin ấy có thuộc dấu hiệu vi phạm để cơ quan kiểm tra các cấp vào cuộc? Và trong những trường hợp ấy, có cần những phát ngôn chính thức từ các cơ quan có trách nhiệm để định hướng dư luận?
Mỗi người khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi đã được giữ một cương vị lãnh đạo, quản lý, đặc biệt ở cấp cao thì không chỉ là công dân bình thường mà còn là người của công chúng, chịu sự giám sát, kiểm tra của tổ chức và nhân dân từ việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đến phẩm chất, lối sống hằng ngày. Chính vì thế, Đảng ta luôn khẳng định phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và ngay từ Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) đã quyết nghị cần xây dựng các quy chế công tác cán bộ, trong đó có quy chế về việc nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ. Nhưng nhân dân tham gia xây dựng và giám sát cán bộ bằng cách nào nếu không có những thông tin công khai, minh bạch, chính xác về công tác cán bộ? Nếu khi có thông tin xấu về cán bộ nhưng không được biết thông tin đó đúng hay sai? Và, nếu mọi thông tin đều rơi vào im lặng liệu có phải đó là dấu hiệu thừa nhận? Nếu ngày càng nhiều thông tin rơi vào sự im lặng, liệu người dân dần dần có coi đó là sự đương nhiên, đành chấp nhận? Nếu những thông tin bất thường dần trở thành bình thường, liệu sự miễn dịch và phản kháng trước cái xấu xa, tiêu cực của đảng viên, người dân và toàn xã hội có bị triệt tiêu? Khi ấy, cái tốt hay cái xấu sẽ lên ngôi?
Do đó, nếu muốn “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng” như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra, mỗi cấp ủy và người đứng đầu không chỉ cần quyết tâm chính trị mà cần hành động cụ thể, nói đi đôi với làm thực hiện những nhóm giải pháp nghị quyết đã chỉ rõ. Nhưng với những vụ việc báo chí nêu đích danh, các cơ quan có trách nhiệm cần kịp thời giải quyết dứt điểm.
Không có bất kỳ cán bộ, đảng viên nào dù đương chức hay nghỉ hưu không ở trong một chi bộ trực thuộc một cấp ủy, hay chịu sự quản lý của một cơ quan. Những cấp ủy, cơ quan ấy không thể không có một người đứng đầu. Theo phân cấp quản lý cán bộ, đảng viên, những cấp ủy, cơ quan, người đứng đầu phải là những nơi kịp thời cung cấp thông tin chính thức thừa nhận hay bác bỏ những nội dung báo chí nêu về cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình. Cần thiết, yêu cầu những cơ quan chức năng xác minh, khẳng định, không để vụ việc rơi vào im lặng. Cán bộ, đảng viên đúng cần được bảo vệ, minh oan. Báo chí đúng cần được tuyên dương, khen thưởng. Cán bộ, đảng viên vi phạm, báo chí sai cần được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Đó là một cách thiết thực, hiệu quả, kịp thời nhất góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.
NGUYỄN THÚY HOÀN