Từng hứng chịu bao mưa bom bão đạn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hôm nay sau 38 năm quê hương hoàn toàn giải phóng, xã Sơn Định (Sơn Hòa) đã có diện mạo mới, trù phú với bạt ngàn cao su, keo, bạch đàn, mía, sắn…
Một góc xã Sơn Định hôm nay - Ảnh: Q.HÙNG
VÙNG ĐẤT ANH HÙNG
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sơn Định được biết đến như một trong những căn cứ quan trọng của quân và dân huyện Sơn Hòa. Ông Trần Văn Thọ, Bí thư Chi bộ xã Sơn Định từ năm 1970 đến 1983 nhớ lại những ngày tháng “nếm mật nằm gai”, bồi hồi kể: Vào những năm 1966-1967, địa bàn xã thường xuyên bị địch truy quét, sống chết luôn rình rập, nên nhiều người dân phải chuyển đến nơi khác sinh sống. Tổng số dân ở lại với cách mạng sống trong vùng căn cứ còn 27 gia đình với 86 nhân khẩu. Những hộ dân này tham gia sản xuất lương thực để đóng góp cho cách mạng. Bình quân hàng năm, người dân xã Sơn Định đóng góp từ 3 đến 5 tấn sắn, hàng tháng tham gia tải đạn từ 15 đến 20 ngày. Ngoài ra, bà con còn cắt tranh, chặt cây xây dựng trạm xá, chống càn, bố phòng và tải thương. Ngày 26/10/1966, Mỹ mở trận càn đánh sâu vào vùng căn cứ của huyện, huy động hàng trăm máy bay oanh tạc, bắn phá suốt ngày đêm; rồi cho quân đổ bộ, càn quét các xã Sơn Định, Sơn Long. Dưới mặt đất, lính đánh thuê Nam Triều Tiên rải quân đi lùng sục từng khu rừng, gộp đá. Địch rải chất độc hóa học, triệt phá hoa màu, cá chết trắng sông suối, cây cối úa dần, hòng cắt đứt nguồn sống, làm mất chỗ dựa của cách mạng.
Để chống lại nạn đói sắp xảy ra, người dân đã dùng dao, rựa chặt hết phần thân cây sắn, chỉ chừa lại phần gốc, làm cho phần củ không hút được chất độc hóa học vào nên cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân có lương thực để ăn. Giai đoạn này, lính Mỹ và sư đoàn Mãnh Hổ của Nam Triều Tiên cũng liên tục càn quét, đánh phá. Hàng ngày, máy bay phản lực A37 ném bom 2 đến 3 lần, ban đêm các trận địa pháo xối xả bắn vào căn cứ vùng giải phóng. Nhưng nhờ có hầm kèo, hầm tròn, hầm ếch, hầm trú ẩn nên cán bộ, nhân dân xã Sơn Định hạn chế được nhiều tổn thất.
Đến năm 1967, để chuẩn bị đối phó âm mưu mới của địch, nhân dân xã Sơn Định và huyện Sơn Hòa, không kể người già, phụ nữ, trẻ em, mỗi người một việc, cùng nhau san hầm, lấp hố, bạt núi, chặt cây, tham gia đóng góp hàng trăm ngày công, mở con đường chiến lược từ Hòn Lúp đến giáp đường số 6 qua Trà Kê. Trong thời gian này, địch mở các cuộc càn quét dài ngày, chúng liên tục dùng nhiều thủ đoạn để lùng sục bắt bớ những người đi theo cách mạng, đốt phá toàn bộ xóm làng, “xúc” dân ra khỏi vùng giải phóng và dọa “nếu còn đi theo cộng sản sẽ giết”. Nhưng lời đe dọa của giặc không làm lung lay ý chí, tinh thần yêu nước của nhân dân nơi đây. Để bảo vệ căn cứ địa Sơn Định, lực lượng bộ đội giải phóng, quân và nhân dân địa phương đã kiên cường, gan dạ, anh dũng chiến đấu, từng bước đập tan mọi âm mưu của địch, góp phần vào chiến thắng hào hùng của quân và dân Sơn Hòa.
THAY DA ĐỔI THỊT
Về Sơn Định hôm nay, nơi từng được mệnh danh là “vùng đất chết” một thời, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước cuộc sống thay da đổi thịt nhiều mặt. Đâu đâu cũng thấy những ruộng lúa, bãi sắn, cao su xanh mướt, từng đàn bò thong dong gặm cỏ, tiếng xe máy nổ giòn trên con đường liên thôn liên xóm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, từng bước bê tông hóa đường giao thông, xây mới trường mầm non, khu văn hóa thể dục thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn Hòa Bình, Hòa Nghĩa, Hòa Thuận, Hòa Trinh, Hòa Ngãi... Đồng thời, chú trọng thắp sáng đường đi lối lại, cải tạo công trình nước tự chảy, kiên cố hóa kênh mương nội đồng…
Bà Nguyễn Thị Kiều ở thôn Hòa Ngãi, cho biết: Từng trải qua thời bom đạn nên tôi rất mừng trước sự đổi mới từng ngày của quê hương. Nếu không có sự đầu tư của Nhà nước, không được hỗ trợ vốn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì có lẽ chúng tôi sẽ không có được cuộc sống no đủ như bây giờ.
Phát huy những thành quả đã đạt được, năm 2013, chính quyền và nhân dân xã Sơn Định phấn đấu nâng tổng diện tích gieo trồng đạt 1.364,6ha; trong đó, chú trọng phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp như cao su, mía. Bên cạnh đó, xã sẽ giữ vững phổ cập tiểu học, THCS, xóa nhà ở tạm, mở các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giải quyết việc làm cho lao động địa phương… “Năm 2011, toàn xã còn có 63 hộ nghèo, năm vừa rồi, giảm được 15 hộ. Năm nay, chúng tôi cố gắng xóa thêm nhiều hộ nghèo để thiết thực đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới”, Bí thư Đảng ủy xã Trần Minh Tiên nhấn mạnh .
QUỐC HÙNG