Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), huyện Tuy An đã hình thành phong trào thi đua sâu rộng xây dựng đời sống văn hóa ở khắp các cơ quan đơn vị, khu dân cư, góp phần phát triển nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Gành Đá Đĩa ở huyện Tuy An - một điểm đến hấp dẫn của Phú Yên - Ảnh: T.BÍCH
XUẤT HIỆN NHIỀU NHÂN TỐ MỚI
Trên cơ sở chuẩn mực xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới như nghị quyết đã nêu, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội luôn quan tâm đến công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc xây dựng nhân tố con người luôn gắn liền với các phong trào thi đua yêu nước, xem thi đua là một trong những động lực để phát triển và hoàn thiện nhân tố con người, đồng thời thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, trong đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội với các việc làm, nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng, tập thể, được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Về tập thể, tiêu biểu như Khoa Kiểm soát dịch bệnh - HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện) nhiều năm liền có đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao, có nhiều ứng dụng trong thực tiễn, được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Về cá nhân, đó là kiểm sát viên Trần Danh Tương (Viện KSND huyện). Trải qua gần 32 năm công tác với nhiều cương vị khác nhau, anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, là một trong những kiểm sát viên tiêu biểu toàn quốc được khen thưởng tại hội nghị vinh danh kiểm sát viên, điều tra viên tiêu biểu do Viện KSND tối cao tổ chức đầu năm 2013 tại Hà Nội. Hoặc như chị Đỗ Thị Trang, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Long Hòa (xã An Định). Không những tự tìm tòi học hỏi để làm thúng chai, chị Trang còn là người tiên phong trong việc truyền nghề lại cho người dân trong thôn và thu mua các sản phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ. Nghề làm thúng chai mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình chị khoảng 200 triệu đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…
Trong xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, nét đáng chú ý là nhận thức của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Nhờ vậy, gắn kết chặt chẽ với các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 90,7% gia đình văn hóa, 76,6% thôn, khu phố văn hóa; 72,1% cơ quan văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nhiều địa phương đã duy trì tốt việc tổ chức chứng nhận và trao giấy đăng ký kết hôn tại UBND xã, thị trấn cho đôi vợ chồng mới. Tục tảo hôn, thách cưới, tìm cách bắt bí, vặn vẹo gây khó nhau giữa hai họ đã hoàn toàn xóa bỏ. Thời gian tổ chức lễ cưới cũng được rút gọn, lễ rước dâu và chiêu đãi họ hàng thường tổ chức trong ngày. Về việc tang, hầu hết các đám tang đều có chính quyền cơ sở chứng kiến và tham gia tổ chức mai táng; họ hàng, bà con hàng xóm thăm viếng, giúp đỡ, không tổ chức ăn uống khi chưa chôn cất người quá cố, các đám tang thực hiện chôn cất nhanh gọn. Hàng năm, các lễ hội trên địa bàn huyện diễn ra trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thu hút đông đảo quần chúng tham gia hưởng thụ và sáng tạo.
Trong phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, từ năm 1998 đến nay, chất lượng học sinh hàng năm được nâng lên, học sinh yếu kém giảm dần, có 1 học sinh giỏi cấp quốc gia. Những thành tựu về khoa học công nghệ được ứng dụng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong sản xuất chăn nuôi, nhờ vậy góp phần nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng, cải thiện đời sống nông dân. Công nghệ thông tin được ứng dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo của các trường học, hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn huyện…
NHỮNG TỒN TẠI CẦN KHẮC PHỤC
Tuy vậy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ở Tuy An thời gian qua vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Đó là tuy huyện có quan tâm đầu tư kinh phí cho văn hóa nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Các thiết chế văn hóa cấp huyện và cơ sở đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa tương xứng, thiếu đồng bộ. Là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng quốc gia nhưng chưa có sản phẩm, đặc sản du lịch mang thương hiệu riêng. Việc xét, công nhận thôn, khu phố văn hóa có lúc còn châm chước một số chỉ tiêu nên chất lượng chưa cao…
Theo Phó bí thư Huyện ủy Tuy An Phạm Sơn Hải, trong thời gian tới, toàn huyện tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, bảo đảm cho văn hóa phát triển đúng định hướng; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển văn hóa, đầu tư kinh phí để tôn tạo, phục hồi và xây dựng các thiết chế văn hóa, các khu di tích lịch sử và các danh lam thắng cảnh của huyện. Đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác để thu hút khách tham quan, du lịch; tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa vi phạm các quy định của pháp luật. Song song đó, ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân đều được hưởng thụ, tham gia hoạt động văn hóa sáng tạo. “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là trách nhiệm của toàn xã hội. Do đó cần phát huy nội lực của Đảng bộ, toàn dân, từng bước xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh bền vững”, ông Phạm Sơn Hải khẳng định.
THÁI HỒNG