Ngày 1/8, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã họp với đại diện các cơ quan báo chí, Sở Thông tin - Truyền thông và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông báo kết quả Kỳ họp lần thứ 26 của ủy ban vừa diễn ra vào ngày 26/7 vừa qua. Tại kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận một số nội dung, qua đó, đề nghị thi hành kỷ luật, kiểm điểm một số tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Đây là lần thứ hai, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có thông báo kết quả kỳ họp, nêu rõ tên những tổ chức đảng, cá nhân có sai phạm phải đề nghị thi hành kỷ luật hoặc nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng cho toàn Đảng, toàn dân biết. Chung quanh việc thông tin này, cũng có dư luận cần ghi nhận và đánh giá cho thấu đáo.
Có ý kiến nói rằng, việc chỉ ra những sai phạm, đề nghị thi hành kỷ luật hay kiểm điểm, phê bình này nọ là chuyện “nhạy cảm” của tổ chức đảng và đảng viên liên quan trong nội bộ. Do đó, cơ quan chức năng cứ im lặng thực hiện sao cho nghiêm minh, quyết liệt, không cần thiết phải đưa ra cho công luận làm gì. Vì như vậy, sẽ vô tình “vạch áo cho người xem lưng”, tạo cơ hội, điều kiện cho các thế lực phản động lợi dụng để bôi bác chế độ, bôi bác sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, việc nêu đích danh các cán bộ, đảng viên có sai phạm trước công luận sẽ vô tình tạo ra áp lực không tốt cho gia đình, người thân của các đồng chí này và dễ dẫn đến những hệ lụy không vui trong cuộc sống…
Trong khi đó, nhiều cán bộ, đảng viên lại cho rằng việc thông báo kết quả kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (giống như Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện) thể hiện quan điểm công khai, minh bạch và có tính chiến đấu theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nó cho thấy, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, bên cạnh phát huy các ưu điểm, thành quả, Đảng ta không ngại thừa nhận các khuyết điểm, yếu kém, thiếu sót còn tồn tại để có giải pháp khắc phục. Các khuyết điểm, yếu kém, thiếu sót, dù của cá nhân hay tập thể, dù ở cấp nào, cương vị nào, cần được xử lý kịp thời và công khai hóa để qua đó làm biện pháp góp phần giáo dục chung, “phòng ngừa từ xa”, cảnh báo những cán bộ, đảng viên nào còn có tâm lý “chập chà chập chờn”, thiếu gương mẫu, chưa chuẩn mực trong công tác và đạo đức lối sống hàng ngày. Việc công khai hóa này còn góp phần định hướng, không làm cho thông tin về các vụ việc mà công luận quan tâm lâu nay bị nhiễu theo kiểu “đã bị chìm xuồng”, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Còn nói rằng nếu công bố họ tên các cá nhân có sai phạm sẽ ảnh hưởng không tốt đến người thân, gia đình của họ, thì tại sao trước khi “nhúng tay vào chàm”, các cá nhân ấy không dành chút thời gian mà nghĩ đến những tác hại này?
Tóm lại, việc công khai kết quả xử lý kỷ luật Đảng các tổ chức, cá nhân có sai phạm bằng các hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng là đúng đắn và cần thiết. Qua đó, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
SÔNG BA HẠ