Đó là tâm niệm của anh Lê Đức Đoàn (SN 1971) ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định (Sơn Hòa). Từ một người tha hương với hai bàn tay trắng, sau 15 năm chăm chỉ lao động, nay anh đã có một cơ ngơi nhiều người mơ ước.
Anh Lê Đức Đoàn đang cạo mủ cao su - Ảnh: Q.HÙNG
Anh Đoàn quê ở tỉnh Thanh Hóa. 15 năm trước, hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, hai vợ chồng lao động cật lực nhưng vẫn không đủ nuôi 3 con ăn học. Anh Đoàn cho biết: “Hồi còn ở quê, gia đình tôi sống rất chật vật. Nhà 5 người nhưng chỉ có hơn 2 sào ruộng nên dù chăm chỉ đến mấy vẫn không đủ ăn. Vợ chồng tranh thủ thời gian nông nhàn, chia nhau đi làm thuê, cuốc mướn, rồi lên rừng hái củi mang về bán kiếm tiền. Song cuộc sống vẫn khó khăn, vất vả. Năm 1998, tôi về Sơn Định thăm người quen, nhận thấy vùng này có nhiều đồng cỏ xanh tốt, đất đai màu mỡ, điều kiện khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng nên tôi bàn bạc với vợ con, bán cả gia sản ngoài Thanh Hóa vào đây lập nghiệp”.
Lúc đầu, anh chỉ mua được 8 sào đất trồng cà phê, mỗi năm cho thu nhập 2 triệu đồng nên cái nghèo, cái đói luôn đeo bám. Sau khi hỏi thăm bạn bè, anh quyết định chuyển sang trồng cao su. Năm 2003, anh gom góp toàn bộ số tiền dành dụm được, vay mượn thêm bạn bè, người thân và ngân hàng mua thêm 2ha đất, phân bón và cây cao su giống về trồng. “Thời gian đầu, vợ chồng phải đi mót sắn và làm thuê để có tiền mua gạo ăn hàng ngày. Cứ thế, cầm cự khoảng 6 năm thì đến lúc cao su cho mủ. Bán mẻ mủ đầu tiên hơn 10 triệu đồng, tôi mừng đến khóc. Cũng từ đó, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn”, anh Đoàn nhớ lại.
Đất không phụ lòng người, nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, anh Đoàn đã sở hữu 25ha đất, trong đó 8ha keo, 6ha cao su, 7ha mía, diện tích còn lại trồng sắn. Nói về cách làm ăn, anh Đoàn cho biết: Tôi không bao giờ “bỏ trứng vào một giỏ” mà thường đầu tư vào nhiều thứ để nếu cái này không đạt sẽ còn có cái khác để bù lỗ và sau đó thì mình nghĩ cách vực dậy. Nếu chỉ chăm chăm vào trồng một cây, nuôi một con, lỡ có bất trắc gì thì trắng tay, mình khổ đã đành, vợ con cũng khó nhọc theo thì thiệt thòi lắm”.
Với cách làm như trên, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Đoàn có thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng. Nhờ vậy mà anh xây được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều phương tiện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho gia đình; các con được học hành đầy đủ. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù đã có của ăn của để, nhưng hàng ngày, vợ chồng anh vẫn chăm chỉ lên rẫy cách nhà gần 2km để cạo mủ cao su. Anh Đoàn tâm sự: Đã lao động thì phải có lòng say mê và kiên trì. Như vậy, đất sẽ hóa vàng”.
Theo bà Lê Thị Trúc Ly, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định, anh Lê Đức Đoàn là nông dân tiêu biểu của địa phương. Anh luôn năng động, suy nghĩ, tìm tòi những cách làm mới để sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Không những vậy, anh còn sẵn sàng chia sẻ với bà con hàng xóm về kinh nghiệm trồng trọt, cho mượn giống, phân bón… giúp người khác làm ăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng.
QUỐC HÙNG