Thứ Năm, 03/10/2024 07:28 SA
Già làng làm “Dân vận khéo”
Thứ Tư, 05/12/2012 08:30 SA

“A lô! A lô! Tối nay đúng 7 giờ, mời bà con tập trung tại nhà rông thôn để họp về công tác quản lý và bảo vệ rừng, kính mời bà con! A lô! A lô!”… Vừa cầm loa tay vừa đi khắp thôn thông báo họp dân. Đó là một trong những việc thường ngày của già làng Y Kiện (SN 1925, tên thường gọi là Oi Xa) ở thôn Tân Lập, xã Suối Bạc, Sơn Hòa.

 

oixa121205.jpg

Già làng Oi Xa nghiên cứu tài liệu để tuyên truyền người dân làm theo pháp luật - Ảnh: Q.HÙNG

MƯA DẦM THẤM LÂU!

 

Tìm đến căn nhà sàn nơi vợ chồng Oi Xa sinh sống, trước mắt tôi là một người đàn ông da ngăm đen, thân hình gầy nhưng rắn rỏi đang ngồi nghiên cứu mấy quyển sách pháp luật và kỹ thuật trồng trọt. Già làng Oi Xa tâm sự: “Do trình độ dân trí thấp nên hiểu biết của bà con trong thôn về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước còn hạn chế. Vì thế, mình phải tranh thủ đọc sách, nghe đài, tiếp thu thêm các kiến thức để truyền đạt lại cho bà con”. Theo già làng Oi Xa, ngày trước người dân Tân Lập nghèo lắm, nhà cửa lụp xụp, rách nát, che được nắng thì mưa vào, cuộc sống luôn trong cảnh khốn khó nên họ chủ yếu bám rẫy làm ăn. Mỗi khi đến mùa làm rẫy, đêm đêm, từng vạt rừng bị đốt cháy đỏ rực, sáng cả một góc trời. Sau vài năm, rừng già đã trở thành đồi trọc, những cây gỗ quý, nhiều loại thú hiếm dần biến mất. Ngoài ra, do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, nếp nghĩ còn hạn chế nên nhiều người lớn bắt con bỏ học để ở nhà ngày ngày đi lên núi lấy măng, kiếm củi phụ giúp gia đình. Đặc biệt, mọi việc liên quan đến cuộc sống hàng ngày nếu gặp trục trặc, trở ngại là người dân đều tin vào… trời, chỉ có trời mới giải quyết được! Chính vì vậy để giúp đồng bào thay đổi cách nghĩ, cách làm là việc hết sức nan giải, đòi hỏi phải có thời gian và phương pháp thích hợp. “Tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên tôi hiểu tâm lý của bà con là phải tuyên truyền từ từ và thật cụ thể. Nói nhiều mà làm ít, nói không khéo là họ không nghe, không ưng cái bụng đâu”, Oi Xa nhớ lại.

 

Những ngày đầu làm công tác vận động, già làng Oi Xa gặp không ít cản ngại. Già kể cho khách nghe hồi đi giải thích cho người dân đừng đốt rừng làm rẫy, thằng Y Bẽn cho rằng cả làng lâu nay sống chủ yếu bằng rừng, nếu nghỉ thì lấy chi nuôi con cái. Thấy vậy, già cứ học theo kiểu trời mưa thấm đất từ từ, nay nói một ít, mai mốt lại thêm một ít nữa. Để nhiều người tin, trước tiên, già nói những người nhà, trong họ làm trước, tích cực tăng gia sản xuất để diệt giặc đói. Sau đó, già đến từng nhà khuyên nhủ bà con không đốt rừng làm rẫy mà tập trung trồng bạch đàn, xà cừ… để sau này có thu nhập ổn định. “Lúc đầu cũng rất khó nhưng khi thấy cuộc sống của gia đình già ngày càng tốt hơn, người này nói với người kia, thế là bà con bắt chước theo. Bây giờ việc phá rừng đã giảm đi rất nhiều” - già làng Oi Xa phấn khởi cho biết.

 

ĐIỀU TỐT LAN TỎA…

 

Mấy năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của việc cùng bảo vệ và phát triển rừng, già làng Oi Xa còn tích cực kêu gọi bà con bãi bỏ các hủ tục trong tổ chức việc cưới, bỏ mổ trâu, mổ bò để ăn đám tang, bỏ quan niệm “đẻ nhiều để có người làm nương rẫy”…

 

 Ngày trước, con trai già muốn lấy vợ phải có hai chỉ vàng, hai con heo, một con trâu để nộp cho nhà gái. Bây giờ, qua giải thích của già làng Oi Xa, tục lệ đó không còn, các gia đình tổ chức đám cưới tiết kiệm mà vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có. Bây giờ, nhận thức của người dân đã được nâng lên, nhiều hộ sinh ít con đã khá lên nhờ có thời gian tập trung làm ăn, có điều kiện cho con đến trường học cái chữ... Hờ Chín, một phụ nữ trong thôn, nói như khoe: “May mà có già làng Oi Xa, không thì gia đình tôi không biết giờ sống như thế nào nữa. Nhà nghèo, làm không đủ nuôi 4 miệng, ăn bữa sáng lo buổi tối mà hai vợ chồng định đẻ thêm mấy đứa nữa. Không biết nghe ai nói, già đến bảo không sinh nữa, khổ cả cha mẹ lẫn con cái. Lúc đầu, vợ chồng cũng chần chừ nhưng nghe già nói miết thấy phải quá. Giờ vợ chồng nuôi hai đứa nhỏ ăn học được rồi!”. Còn Y Siệt khẳng định: Nhờ nghe theo lời của già làng Oi Xa mà người dân trong thôn nay có cơm ăn áo mặc, cuộc sống ổn định, ai cũng vui lắm. Trong thôn có xảy ra chuyện gì xích mích mất đoàn kết, già đến khuyên giải phải trái rõ ràng nên ai cũng muốn nghe và làm theo. Tụi thanh niên đứa nào hay uống rượu say, lười lao động, già bảo đem ra kiểm điểm trước bà con nên không dám nữa!

 

Theo Phó chủ tịch UBND xã Suối Bạc Sô Minh Chiến, già làng Oi Xa là một tấm gương tiêu biểu về công tác “Dân vận khéo” ở địa phương. Với cách nói gần gũi, có lý có tình, luôn gắn nói đi đôi với làm, già đã thuyết phục được nhiều người làm theo điều hay, lẽ phải. Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của xã và thôn Tân Lập ngày càng phát triển tốt hơn, đời sống người dân ngày càng khá hơn… có phần đóng góp thầm lặng của những người như già làng Oi Xa. Còn già làng Oi Xa nói giản dị: “Buôn làng có no ấm, văn minh, tiến bộ, đời sống bà con có khá lên thì kẻ xấu mới không đến tuyên truyền chuyện bậy bạ được. Mình chỉ làm theo lời dạy của Bác Hồ là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” thôi mà”…

 

QUỐC HÙNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chàng sinh viên xuất sắc
Thứ Sáu, 30/11/2012 09:00 SA
Cô Nhớ tâm huyết với nghề
Thứ Năm, 29/11/2012 09:00 SA
Một kỹ sư, bí thư chi đoàn năng nổ
Thứ Tư, 28/11/2012 08:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek