19 năm qua, bằng tình thương yêu thầm lặng, người phụ nữ ấy đã tận tụy chăm sóc các cháu mồ côi, tàn tật. Chị là Lê Thị Cặn (quê xã Hòa Tâm, Đông Hòa), hộ lý của Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh.
Chị Cặn và những “thiên thần nhỏ” - Ảnh: H.MY
Chị Cặn công tác ở Trung tâm từ những ngày đầu khu nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật vừa được mở. Sau đó, nhiều “cô nuôi” khác cũng vào đây, nhưng chưa đầy ba tháng, nhiều người chịu không nổi sự vất vả đã bỏ ngang, chỉ mình chị trụ lại với công việc này. Hàng ngày, chị cùng hai hộ lý khác luân phiên chăm sóc 9 trẻ mồ côi, bị bại não. Từ sáng sớm, chị Cặn đã dậy giúp các cháu làm vệ sinh cá nhân và cho ăn. Lúc bình thường, chăm sóc các cháu đã khó, vào những khi trái gió trở trời, các cháu trở bệnh, khóc nhiều, chị càng khổ hơn, cứ phải bồng trên tay cả đêm. Có khi các cháu phát bệnh nặng, chị lại cùng bộ phận y tế của trung tâm tất tả đưa đi bệnh viện. Rồi chị nán lại ở đó dăm ngày, nửa tháng chăm sóc các cháu cho đến khi hết bệnh. Với một số trẻ bệnh nặng phải vào TP Hồ Chí Minh điều trị, chị lại phải khăn gói vào cùng để chăm sóc. Chị luôn tìm hiểu bệnh tình của các cháu để có những biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, để trang bị kỹ năng chăm sóc các cháu tốt hơn, cuối năm 2009, chị Cặn tham gia khóa học ngắn hạn về Chăm sóc trẻ khuyết tật tại TP Hồ Chí Minh.
Nhờ gắn bó chịu khó với công việc, chị Cặn hiểu rõ hoàn cảnh của từng cháu. Nhiều cháu bị người thân bỏ rơi trước cổng trung tâm, chị đã ra tận ngõ để bồng vào. Cho đi sự yêu thương, chị nhận về cho mình niềm hạnh phúc là sự sống và nụ cười của những “thiên thần nhỏ”. “Nhiều hôm trực đêm, vừa chợp mắt ngủ, nghe bảo vệ nói có cháu bị bỏ rơi trước cổng trung tâm, vậy là, tôi chạy ra ẵm vào. Thương xót đứa trẻ tội nghiệp nằm trong bọc vải, tôi thầm trách các bậc làm cha mẹ sao mà vô tâm quá. Vậy là suốt đêm cứ tất bật chăm cho cháu yên giấc. Có đứa bị bỏ rơi vào ngày 30 Tết, nên tôi phải ở lại trung tâm mấy ngày liền chăm sóc, phó mặc công việc nhà cho chồng con lo. Công việc vất vả nhưng mỗi khi nhìn thấy các cháu khỏe mạnh, cười vui là mọi vất vả trong tôi như tan biến”, chị Cặn thổ lộ.
Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Trần Văn Thống nhận xét: Chị Cặn là người nhân hậu, đức độ, là tấm gương sáng của tinh thần “tương thân tương ái”. Mặc dù không máu mủ ruột rà, công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng chị vẫn chăm sóc các cháu tận tụy hơn cả mẹ đẻ ra chúng. Công việc thầm lặng của chị và các hộ lý ở đây giúp nhiều người hiểu rõ hơn giá trị của yêu thương.
KHÁNH HÀ