Tròn 10 năm công tác tại Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Phú Yên, anh Nguyễn Kim Bin đã có sáng kiến trong việc làm ra những dụng cụ hỗ trợ cho quá trình điều trị, giúp người bệnh sớm bình phục.
Anh Nguyễn Kim Bin - Ảnh: LÊ HẢO
Những ngày đầu mới vào nghề, Nguyễn Kim Bin chưa hình dung được hết áp lực của công việc. Là cán bộ điều dưỡng tại khoa Tổn thương tủy sống của bệnh viện, hàng ngày, anh chứng kiến nhiều bệnh nhân đau đớn, bất lực vì không thể đi lại, sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. “Một số bệnh nhân có khả năng phục hồi thì ra viện sớm, nhiều người phải ở lại điều trị dài ngày chỉ để duy trì sự sống. Có người hôm qua còn khỏe, hôm nay đã phải nằm liệt… Vì vậy, đa phần người bệnh rất dễ tổn thương, chỉ cần mình sơ suất một chút là họ khó chịu, quát tháo ầm ĩ. Những lúc như vậy, chúng tôi chỉ biết im lặng, nhẫn nhịn, chờ bệnh nhân lắng dịu thì mới tâm tình động viên”, anh Bin bộc bạch.
Trước năm 2008, những người bị tổn thương tủy sống có rối loạn đường tiết niệu, tuy được điều trị nội trú tại bệnh viện nhưng phải vào TP Hồ Chí Minh xác định áp lực bàng quang. Trong điều kiện bệnh viện chưa thể trang bị máy đo niệu động học, nhằm giúp bệnh nhân giảm chi phí, thời gian đi lại, năm 2008, anh Bin có sáng kiến “Ứng dụng cây thước nước để đo áp lực bàng quang”. Chỉ với vật liệu sẵn có là cây chuyền dịch và một cây thước dài 1m có chia vạch từ 0 đến 100cm, “máy đo niệu” thủ công mang thương hiệu “Bin” đã ra đời. Nhờ vậy, bác sĩ của bệnh viện có thể đánh giá, phân loại chính xác các loại bàng quang tổn thương, hỗ trợ tích cực quá trình điều trị bệnh nhân. Năm 2009, anh Bin tiếp tục cải tiến “Hộp inox đựng khăn lau tay dùng một lần” giúp bảo đảm vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế, tránh lây nhiễm chéo, góp phần chống nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. Năm 2010, sáng kiến “Phương pháp tháo phân bằng tay cho người bệnh bị liền ruột” của Nguyễn Kim Bin giúp bệnh nhân tháo phân một cách dễ dàng, kiểm soát được việc đi tiêu, phòng ngừa các biến chứng. Anh Bin cho biết đang có dự định làm ra một dụng cụ giúp người nhà có thể di chuyển bệnh nhân dễ dàng, tiết kiệm công sức mà vẫn an toàn. “Những bệnh nhân khi về tuyến sau để điều dưỡng, phục hồi chức năng, phần lớn tài sản trong gia đình đã khánh kiệt theo quá trình điều trị. Vì vậy, tôi muốn làm ra những dụng cụ đơn giản, hiệu quả, giúp họ có thể tự chăm sóc mình để sống tốt hơn”, anh chia sẻ.
Bác sĩ Dương Tấn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Phú Yên, nhận xét: Những sáng kiến của anh Bin góp phần thiết thực cho bệnh viện trong điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị tủy sống. Anh còn là một đoàn viên tích cực được công nhận trong phong trào “Sáng tạo trẻ” do Đoàn khối Các cơ quan tỉnh phát động, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, được rất nhiều bệnh nhân và đồng nghiệp tin yêu, cảm mến.
LÊ HẢO