Như cánh chim không mỏi, mới đây nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng nghiên cứu tìm chữ viết cho dân tộc Chăm H’roi để dạy cho người dân địa phương…
Ông Ka Sô Liễng - Ảnh: H.NAM
Từng làm Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT-DL Phú Yên). Sau khi nghỉ hưu, ông về sống cùng với bà con buôn làng ở xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa). Từ lúc còn đương chức cho đến nay, ông thường lặn lội đi khắp các buôn làng để tìm và lưu những giữ giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như trường ca Xing Chi Ôn, Giàng Hlăk xấu bụng, Tiếng cồng ông bà Hbialơ Đăk... Bên cạnh đó, ông còn viết một số sách bằng chữ Chăm H’roi như: Chi Bri- Chi Brít, HBia Ta Lúi- Kalipu…và song ngữ Việt – Chăm.
Đặc biệt, gần đây Ka Sô Liễng đã nghiên cứu chữ viết cho người Chăm H’roi. Sau khi bộ chữ này cơ bản hoàn chỉnh, ông đã đề nghị lãnh đạo và các ngành chức năng đưa vào chương trình dạy chữ viết cho học sinh người Chăm H’roi ở bậc tiểu học.
Tuy đã 80 tuổi, nhưng niềm đam mê đã cho ông nghị lực để lặn lội đến tận các xã vùng cao, vùng xa như Phước Tân (Sơn Hòa), Xuân Lãnh (Đồng Xuân) truyền đạt chữ Chăm H’roi cho từng nhà, từng người. Ông tâm sự: “Ước mơ lớn nhất của tôi là lưu lại cho cộng đồng các giá trị văn hóa của dân tộc Chăm H’roi, góp phần bảo vệ nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc dân tộc” Ông đang ấp ủ kế hoạch xây dựng phòng đọc sách trong khuôn viên trang trại của mình để “các cháu thanh niên và bà con biết thêm nhiều điều hay, lẽ phải”.
Ka Sô Liễng còn được biết đến là một nông dân sản xuất giỏi, hăng hái trong các hoạt động xã hội, thường giúp đỡ, hướng dẫn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Ea Chà Rang cách đào ao thả cá, nuôi gà, heo, xen canh các loại cây ngắn ngày, dài ngày… Nhờ vậy, nhiều hộ ở Ea Chà Rang đã thoát nghèo, ngày càng có cuộc sống khấm khá.
HOÀI NAM