Với mong muốn tháo gỡ khó khăn và giữ làng nghề phát triển bền vững, chị Nguyễn Thị Kim Phương (thôn Phú Tân 2, xã An Cư, huyện Tuy An) đã đầu tư hàng tỉ đồng mua máy dệt chiếu về mở tổ hợp sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…
Chị Nguyễn Thị Kim Phương
Chứng kiến nguy cơ mai một dần của làng chiếu Phú Tân, chị Phương đã mạnh dạn tiếp cận với công nghệ dệt chiếu bằng máy, đầu tư hàng tỉ đồng mua 11 máy dệt chiếu, ba máy may bìa và xây dựng tổ sản xuất chiếu cói tại làng nghề. Sau hai năm hoạt động, tổ hợp sản xuất chiếu cói đã gặt hái thành công không nhỏ. Trung bình mỗi tháng, tổ sản xuất gần 5.000 chiếc chiếu, giá trị trên 300 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, thu lợi trên 32 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi thành viên của tổ hợp có gần 6,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tổ còn tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương, với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.
Chất lượng chiếu nâng cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng, đời sống người dân làng nghề ngày càng phát triển. Chị Phương tâm sự: “Thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục đầu tư vốn mua thêm máy dệt, mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm việc làm cho chị em trong làng”. Chị Phương còn đứng ra thu mua toàn bộ lượng cói và chiếu dệt thủ công của người dân trong làng nghề, nhờ đó tạo được nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ trồng cói và dệt chiếu trong xã.
Ông Phạm Đăng Tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư, cho biết: “Mô hình tổ hợp sản xuất chiếu cói bằng máy của chị Phương hoạt động rất hiệu quả, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động, đồng thời bảo tồn và phát triển được làng nghề dệt chiếu truyền thống. Vừa qua, chị Phương đã được tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và chuẩn bị đi báo cáo tại trung ương. Chị xứng đáng là một tấm gương cho nhiều người học tập và noi theo”.
NGÔ XUÂN