Thứ Tư, 27/11/2024 05:33 SA
Người nâng bước cho trẻ khuyết tật
Thứ Tư, 02/12/2015 08:55 SA

Học sinh khiếm thính tặng hoa cho cô Trần Thị Tuyết Dương - Ảnh: H.MY

Gắn bó với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên từ những ngày đầu thành lập, cô giáo Trần Thị Tuyết Dương luôn trăn trở tìm mọi phương cách giáo dục hiệu quả để giúp học sinh khuyết tật tiến bộ và hòa nhập cộng đồng. Hai lần, cô giáo quê ở huyện Tuy An này vinh dự được Bộ GD-ĐT tuyên dương là nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc.

 

ƯỚC MÌNH LÀ… ĐÔI TAI CỦA CÁC EM

 

Đến thăm Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên vào một sáng đầu tuần, chúng tôi được tham dự buổi lễ chào cờ đặc biệt của cô trò nơi đây. Không có tiếng nhạc, không có những lời ca hùng tráng của bài “Quốc ca” vang lên như những ngôi trường khác. Tại đây, buổi chào cờ diễn ra trong im lặng, nhưng vẫn rất trang nghiêm. Cô giáo Trần Thị Tuyết Dương, Phó giám đốc trung tâm, từ từ bước lên bục cờ, đứng cùng hướng với các học sinh đã xếp thành hàng. Rồi như nhạc trưởng của dàn hợp xướng, cô cùng hơn 120 học sinh của trung tâm hướng lên lá cờ Tổ quốc, say sưa hát “Quốc ca” bằng ngôn ngữ… múa tay. Cô Dương chia sẻ, ý tưởng diễn đạt bài “Quốc ca” bằng ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính của trung tâm chào cờ mỗi sáng đầu tuần được cô “học lỏm” từ một đồng nghiệp ở Nghệ An trong chuyến ra Đà Nẵng dự Hội thảo trợ giúp người khuyết tật vào năm 1996. Lúc đầu, cô hướng dẫn học trò khiếm thính học từ vựng và cách ngắt nhịp lời hát; sau đó, tập luyện cho các em hát múa dấu. Đã gần 20 năm kể từ ngày diễn ra buổi chào cờ đầu tiên với bài múa dấu “Quốc ca”, nhưng mỗi khi đến sáng thứ hai, cô Dương và học trò lại múa bài hát này với cả trái tim.

 

Dạy và tổ chức cho học sinh khiếm thính hát “Quốc ca” chỉ là một trong rất nhiều việc ý nghĩa mà cô Dương đã làm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên trong suốt chặng đường 22 năm công tác. Tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm Địa - Kỹ thuật, năm 1990, cô Dương về quê giảng dạy tại Trường tiểu học và THCS An Thạch (huyện Tuy An). 3 năm sau, Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên) thành lập, cô xin về nơi này giảng dạy. Những ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất nhà trường khó khăn, học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay, cô Dương và các giáo viên khác phải kiên trì đến từng nhà để vận động các em ra lớp.

 

Nhớ lại năm đầu đứng lớp giảng dạy cho học sinh khuyết tật, cô Dương bộc bạch: “Vì chưa qua đào tạo chuyên biệt trẻ khuyết tật nên tôi gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ trong thời gian đầu đứng lớp. Nhìn những ánh mắt hồn nhiên, miệng ú ớ không thành lời, tôi hoang mang không biết làm sao để tiếp cận và truyền đạt cho các em con chữ”. Cô Dương nhớ mãi kỷ niệm, khi đó cô làm Tổng phụ trách Đội, tổ chức cho học sinh khiếm thính của trường giao lưu văn nghệ với đoàn thanh niên. Khi xem tiết mục múa, các em khiếm thính rất hào hứng cổ vũ, nhưng đến tiết mục hát, các em lặng yên, ngơ ngác. Một học sinh qua ngôn ngữ chỉ tay, nói: “Ước gì con nghe được các anh chị hát”. “Lúc nghe em nói, lòng tôi nghẹn đắng. Tôi ước mình có thể là đôi tai để giúp các em nghe được những thanh âm trong trẻo của cuộc sống”, cô Dương nhớ lại.

 

NỖ LỰC GIÚP TRẺ HÒA NHẬP

 

Khi còn là giáo viên đứng lớp, ngoài tận tụy giảng dạy con chữ cho học trò, giáo dục kỹ năng sống cho các em, cô Dương còn dành nhiều thời gian tư vấn cho phụ huynh cách chăm sóc, hướng dẫn một số phương pháp dạy và các bài tập đơn giản phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại gia đình. Từ năm 2008, được tín nhiệm phân công giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên, cô đã tìm tòi, sáng tạo nhiều mô hình giúp học sinh khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng. Cô và ban giám đốc đã phối hợp với các tình nguyện viên tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh khuyết tật như: dạy vẽ, làm bánh, làm hoa… Ngoài ra, cô còn tích cực hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật, giúp các em được học hòa nhập một cách phù hợp và có chất lượng. Bên cạnh đó, cô Dương còn tham gia dự án dạy chữ Brai cho người mù của Hội Người mù tỉnh.

 

25 năm gắn bó với nghề giáo, năng lực, tâm huyết và những cống hiến của cô Dương được nhiều cấp ngành ghi nhận qua những tấm bằng khen, giấy khen. Nhưng niềm hạnh phúc nhất đối với cô giáo 48 tuổi này là thấy học sinh của mình trưởng thành, các em khuyết tật có thể vượt qua được mặc cảm để hòa nhập cộng đồng. Cô Dương bộc bạch: “Học sinh khuyết tật mặc dù bị khiếm khuyết về thể xác, nhưng lại sống rất tình cảm. Dù nhiều em đã ra trường nhưng vẫn tìm đến nhà thăm tôi trong những dịp lễ, tết. Đời giáo viên, chỉ cần nhìn thấy học trò trưởng thành là đã thành công”.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nhận xét: Từ khi là giáo viên, cô Trần Thị Tuyết Dương đã vinh dự được Bộ GD-ĐT tuyên dương là Nhà giáo tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ I. Đến khi đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên, cô Dương tiếp tục phát huy năng lực, được Bộ GD-ĐT tuyên dương là Cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ III. Đây là thành tích rất đáng khen ngợi, không phải ai cũng làm được. Với những cống hiến cho giáo dục trẻ khuyết tật, cô Dương xứng đáng là tấm gương sáng cho các giáo viên khác học tập.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tự lực vươn lên thoát nghèo
Thứ Hai, 30/11/2015 08:18 SA
Một sinh viên tiêu biểu
Thứ Bảy, 28/11/2015 08:22 SA
Nhân “5 tốt”
Thứ Năm, 26/11/2015 08:25 SA
Nghị lực của một nữ sinh mồ côi
Thứ Tư, 25/11/2015 07:56 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek