Chúng ta vừa kỷ niệm lần thứ 117 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong lúc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được triển khai sâu rộng ở các tổ chức Đảng, các đơn vị, địa phương, các đoàn thể chính trị, xã hội.
Gần gũi, hòa đồng với nhân dân là một nét đẹp nhân cách của Bác. Trong ảnh: Bác Hồ cùng nhân dân tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (1958) - Ảnh: TƯ LIỆU
Bác Hồ kính yêu đã để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng hết sức vẻ vang, đồng thời qua cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của mình, Người còn để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quí báu. Đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tượng trưng cho những giá trị cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt
Nội dung đạo đức cách mạng theo lời dạy của Bác là: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, quyết tâm suốt đời phục vụ cho Đảng, cho cách mạng, bất kỳ làm công việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ vì lợi ích chung vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Những nguyên tắc và nội dung đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra, thì chính Người thực hiện trước. Từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, đến lúc về với “thế giới người hiền”, dù phải trải qua những hoàn cảnh đầy rẫy những khó khăn, thử thách, Bác không bao giờ xa rời mục tiêu của mình là “làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn dự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Dù là lúc làm phụ bếp trên tàu biển với cái hầm lò đầy khói than và nóng hầm hập, hay khi làm vườn, quét tuyết ở Luân Đôn, hoặc những đêm giá lạnh ở giữa thành phố Pari hoa lệ phải nung viên gạch lót dưới giường nằm để sưởi ấm, rồi những ngày cơ cực trong nhà tù của đế quốc Anh ở Hương Cảng và ngục tối Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây, lòng kiên trung, bất khuất và tinh thần lạc quan, tin tưởng ở tiền đồ tươi sáng của dân tộc ở Người không hề lay chuyển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”. Chính mục đích ấy tiếp cho Người một nghị lực kiên cường, để giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục, nêu một tấm gương đạo đức sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản.
Học tập lý tưởng, lòng trung thành và noi gương đạo đức của Bác, biết bao cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên trước đây cũng như hiện nay đã nêu cao tính tiền phong gương mẫu, không quản ngại gian khổ, hy sinh hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, giữ gìn được nếp sống trong sạch, được nhân dân tin yêu, mến phục. Nhưng hiện nay, có một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên, không vượt qua được những cám dỗ tầm thường của chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền tham nhũng, lãng phí. Những hành vi tham nhũng, tiêu cực và lối sống sa đọa phi đạo đức, phi văn hóa của họ là nỗi đau nhức nhối trên cơ thể Đảng và xã hội, như Đại hội X của Đảng nhận định: nếu không chặn đứng và đẩy lùi sẽ là mối đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nghiên cứu, học tập, nắm vững những giá trị của tư tưởng, và đạo đức Hồ Chí Minh là điều rất cần thiết và quan trọng. Song điều cần thiết và quan trọng hơn nữa là biến tư tưởng và đạo đức của Hồ Chủ Tịch thành giá trị bền vững của mỗi người và toàn xã hội. Mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên đề cao tinh thần tự giác học tập, nghiêm túc xem xét lại mình, nhận rõ ưu, khuyết điểm, đặc biệt là có kế hoạch, có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Đó chính là tình cảm, là lòng biết ơn đối với Bác, góp phần đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xứng đáng với “muôn vàn tình thân yêu” và lời mong ước cuối cùng Bác để lại cho đồng bào cả nước. Chúng ta xin hứa với Bác là:
“Đời sẽ tươi hơn, xây dựng mới
Đàng hoàng to đẹp, sáng trời Đông
Tuổi xanh vững bước lên phơi phới
Đi tới, như lòng Bác ước mong”(*)
———
(*) Trích thơ Tố Hữu
BẰNG TÍN