Thứ Tư, 15/01/2025 22:46 CH
Đạo đức Hồ Chí Minh mãi tỏa sáng
Thứ Bảy, 19/05/2007 07:30 SA

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 5, chúng ta đón mừng Ngày sinh Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội hiện nay, thật hiếm có con người nào được tôn vinh như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến Bác Hồ, mọi người đều biết rằng, đó là một con người vĩ đại, có đạo đức trong sáng, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, cống hiến, hy sinh tất cả cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

 

070518-Bac-Ho.jpg

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960)

 

Đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và gia đình của nhân loại và đạo đức của chủ nghĩa Mác – Lênin. Trong đó, tinh hoa văn hóa đạo đức của chủ nghĩa Mác – Lênin có vai trò hết sức to lớn trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Ngày 13/7/1955, khi đến thăm nơi làm việc của Lênin, Bác ghi vào sổ lưu niệm: “Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản, cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải cần kiệm liêm chính”.

 

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức mới, đạo đức cách mạng, đạo đức vĩ đại “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng loài người. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, do vậy phải chăm lo xây dựng và rèn luyện. Việc thực hành đạo đức của người cách mạng là những hành vi thể hiện sự thống nhất tư tưởng và hành động, hiệu quả trong thực tế và rèn luyện đạo đức suốt đời, được Bác Hồ quy lại có ba mối quan hệ chủ yếu là đối với người, đối với việc và đối với mình.

 

Hiện nay, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần những nội dung và làm gì?

 

Trước hết cần thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác. Đó là sự yêu thương quý trọng con người lao động, các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân, phong kiến. Yêu nước, thương dân là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng. Đầu những năm 1920, trong số báo đầu tiên của tờ Le Paria (Người Cùng Khổ), Bác đã nêu ra quan điểm phấn đấu giải phóng con người. Trước lúc đi xa, Bác căn dặn những công việc phải làm sau chiến tranh, trong đó “đầu tiên là công việc đối với con người”. Sự yêu thương quý trọng con người trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trước hết là dành cho những người lao động, những tầng lớp bị thiệt thòi do hậu quả của chế độ thực dân phong kiến để lại (đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em).

 

Lòng yêu thương quý trọng con người ở Bác không có giới hạn biên giới quốc gia, chủng tộc; không dừng lại ở lời nói mà đi tới tố cáo bọn bóc lột, tổ chức lực lượng nhân dân vùng lên đấu tranh tự giải phóng. Yêu nước thương dân, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột thì đạo đức lớn nhất là làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo dùng khái niệm “trung với nước, hiếu với dân” để thể hiện một tư tưởng đạo đức cơ bản của người cách mạng. Trung với nước, hiếu với dân còn là nội dung của đạo đức mới mà người cách mạng thường xuyên tu dưỡng và thực hành. Bác Hồ cho rằng: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình nhất, chí hiếu nhất. Vì sao? Vì nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến dày vò”, “ta thương cha mẹ ta mà còn phải thương cha mẹ người, phải làm cho mọi người đều biết yêu thương cha mẹ”.

 

Vấn đề cốt lõi trong đạo đức Hồ Chí Minh mà người cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và thực hành, rèn luyện suốt đời, không ngừng, không nghỉ là cần kiệm liêm chính. Cần là siêng năng, kiên trì, làm việc có năng suất; kiệm là tiết kiệm, bảo vệ của công; liêm là trong sạch, không tham ô, tham lam (kể cả tham địa vị); chính là thẳng thắn, việc thiện dù nhỏ cũng cố làm, việc ác dù nhỏ cũng cố tránh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví bốn đức đó của con người như bốn phương của đất, bốn mùa của trời để khẳng định, thiếu một đức thì không thành người, nói lên ý nghĩa và quan hệ của cần, kiệm, liêm chính.

 

Cùng với cần, kiệm, liêm, chính, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền thì chí công vô tư là yêu cầu, phẩm chất hàng đầu. Người đã từng chỉ rõ, giặc nội xâm, kẻ thù bên trong của Đảng, Nhà nước, ở trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chính là quan liêu, tham ô, lãng phí. Nguyên nhân của chủ nghĩa quan liêu, nạn tham ô, lãng phí, cái làm cho cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Do đó, người cán bộ, đảng viên thật sự chí công vô tư thì phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải rèn luyện để trở thành người “Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ bất năng khuất”. Song, Bác Hồ cũng nói rõ “đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân” mà phải chăm lo những lợi ích cá nhân chính đáng, chăm lo cho cuộc sống của cán bộ, đảng viên và gia đình họ.

 

Điều có ý nghĩa sâu sắc đối với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thực hiện những nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng. Đó là xây đi đôi với chống, tạo ra một môi trường đạo đức lành mạnh, trong sạch; tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời; nói đi đôi với làm, nêu gương sáng về đạo đức.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, cho nên Người tự nêu gương về đạo đức cách mạng và lấy gương đảng viên, cán bộ dám xả thân vì Đảng, vì dân, vì cách mạng mà hy sinh, chịu đựng gian khổ, dũng cảm chiến đấu, hăng say lao động, công tác “người tốt, việc tốt” để giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương về đạo đức là phẩm chất rất cơ bản của người đảng viên, cán bộ. Đó cũng là yêu cầu hàng đầu đối với cán bộ, đảng viên hiện nay. Nêu gương đạo đức của đảng viên phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Người thì người đảng viên đối với mình tuyệt nhiên không tự cao, tự đại mà luôn học hỏi cầu tiến bộ, thật thà tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, cái hay, cái tốt của bản thân. Đối với người thì chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thân ái, không a dua, nịnh trên, nạt dưới, dối trá, lọc lừa. Đối với việc công, việc nước, việc của dân thì có quyết tâm làm cho tốt, không sợ khó khăn, không nề gian khổ, ham làm việc thiện, tránh việc ác, mỗi ngày đều cố gắng làm việc lợi nước, ích dân “việc gì hại cho dân thì phải tránh, việc có ích cho dân thì gắng sức làm”.

 

Nêu gương đạo đức của Người đảng viên hiện nay phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Đáng kể nhất là gương mẫu chấp hành Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Nói và làm theo nghị quyết, chính sách của Đảng là yêu cầu hàng đầu đối với đảng viên. Vấn đề có ý nghĩa thực tiễn quan trọng của việc nêu gương đạo đức của người đảng viên là tính tự giác, tính chủ động. Muốn làm tốt điều đó người đảng viên cần chú ý tự tu dưỡng, tự mình học tập nâng cao kiến thức, năng lực làm việc, tự mình rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức của người đảng viên.

 

Nêu gương đạo đức của người đảng viên hiện nay cần quan tâm việc nêu gương xây dựng gia đình văn hóa. Đó là gia đình no ấm, hạnh phúc, hòa thuận, yên vui, tiến bộ, yêu thương, bình đẳng giữa các thành viên, đoàn kết tương trợ xóm giềng, thực hiện tốt, đầy đủ nghĩa vụ công dân, khuyến khích làm giàu theo pháp luật, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo đường lối, chính sách của Đảng.

 

Nêu gương đạo đức của người đảng viên hiện nay còn là phát huy quyền dân chủ trong sinh hoạt đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, lãng phí. Người đảng viên không chỉ nói không với tiêu cực, tham nhũng mà trong suy nghĩ, việc làm phải kiên quyết, khôn khéo chống lại những tệ nạn này từ ngay bản thân mình và đồng chí, những người trong cơ quan, đơn vị mình có biểu hiện, dấu hiệu vi phạm.

 

PHẠM VĂN KHÁNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek