Năm 1987, cuộc sống quá khó khăn nên gia đình ông Phạm Văn Hưng (SN 1956) phải rời quê hương Bắc Giang vào thôn Sơn Nghiệp, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) lập nghiệp. Đến nay, ông không chỉ thoát nghèo mà mỗi năm thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng và trở thành nông dân sản xuất giỏi của tỉnh.
Những năm đầu sinh sống tại thôn Sơn Nghiệp, gia đình ông gặp không ít khó khăn. Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi 3 đứa con ăn học, hàng ngày, hai vợ chồng ông phải làm thuê làm mướn cật lực nhưng vẫn không đủ cơm ăn, áo mặt, nhà cửa cũng tạm bợ. Đến khi ông xin vào làm công nhân cho Nông trường Sơn Thành, đồng thời khai hoang đất trồng lúa nước, hoa màu thì mới đỡ vất vả. Sau đó, được Nông trường Sơn Thành tạo điều kiện cấp cho 8ha đất để phát triển kinh tế gia đình, ông quyết định mở rộng sản xuất, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi cho tới nay. Ông kể: “Năm 2000, để có vốn làm ăn, tôi vay Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên 30 triệu đồng để đầu tư trồng 0,6ha tiêu; đồng thời vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, bắp, trồng cỏ và mua 10 con bò, 100 con gà về nuôi. Nhờ đó, hàng năm, gia đình tôi thu gần 100 triệu đồng, có tiền đầu tư lâu dài cho cây hồ tiêu và tiếp tục trồng sắn, bắp để tăng thu nhập”.
Không chỉ trồng tiêu, trồng sắn, ông Hưng còn đào ao rộng 2ha, thả nuôi cá tràu, chép, rô phi… Ông nói: “Tôi nhiều lần tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng do các cấp tổ chức. Nhờ đó, tôi biết chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, biết cách làm thế nào để khắc phục dịch bệnh và mang lại hiệu quả cao… Hiện nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi kiếm được từ 400 đến 500 triệu đồng”.
Không chỉ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, mấy năm qua, vợ chồng ông Hưng còn chủ động giúp đỡ nhiều hộ nghèo trong xã bằng cách cho mượn vốn và hỗ trợ giống mà không tính lãi. Nhờ vậy, nhiều hộ đã vượt nghèo và có cuộc sống khá hơn. Gia đình chị Phạm Thị Nhung ở cùng thôn Sơn Nghiệp là một ví dụ. Sau khi có với nhau 2 đứa con, chồng chị Nhung bỏ nhà đi theo người đàn bà khác, một mình chị phải đi làm thuê để nuôi 2 con khôn lớn. Đến nay, đứa lớn ở nhà phụ chị trồng sắn, bắp, còn đứa nhỏ chị cho đi học nghề. Chị Nhung nhớ lại: “Hồi đó, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo và được vợ chồng ông Hưng cho mượn tiền để trồng 1ha bắp và sắn mà không tính lãi. Năm 2012, ông Hưng cho giống cây hồ tiêu, tôi trồng được 1 sào và đến nay, tiêu đã ra hoa kết trái. Gia đình tôi mới thoát khỏi diện hộ nghèo và đời sống cũng được cải thiện”.
Hiện ông Hưng tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên với thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức trong việc trồng trọt, chăn nuôi tại các buổi sinh hoạt thôn, tận tình chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người đến tham quan, học hỏi mô hình kinh tế của gia đình. Nhờ có điều kiện kinh tế, ông đầu tư cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Đến nay, cả 3 đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định. Mới đây, ông Phạm Văn Hưng được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Ông Đặng Sỹ Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thành Tây, nhận xét: “Ông Phạm Văn Hưng không chỉ phát triển kinh tế gia đình và nuôi con ăn học đàng hoàng mà ông còn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, cây giống cho một số người dân nghèo trong xã để cùng làm ăn. Ngoài ra, ông Hưng còn đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động. Bản thân ông 3 lần đạt danh hiệu Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.
HIẾU TRUNG