Nhà nghèo, Nguyễn Thành Long (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh, huyện Đông Hòa) khăn gói vào Nam, bôn ba kiếm sống bằng đủ nghề. Với nghị lực và quyết tâm khẳng định bản thân, mới đây, chàng trai 20 tuổi trở thành tân sinh viên Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thành Long trao đổi bài cùng bạn học. - Ảnh: H.MY |
Long sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa). 8 miệng ăn trong khi gia đình chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng và công việc làm thuê của ba em. Năm Long thi đại học, ba em phát bệnh nặng. “Khi đó, em đang ở Quy Nhơn thi đại học thì nhận được tin ba em bị tai biến. Tâm lý của em hoang mang quá nên không thể tập trung làm bài thi. Trong đầu em lúc đó chỉ có một ý nghĩ duy nhất là phải kiếm việc làm để có tiền chữa bệnh cho ba”, Long nhớ lại.
Nhà nghèo, mẹ Long chạy vạy vay mượn người thân, rồi bán tất cả tài sản trong nhà để lo điều trị cho ba em. Trong lúc đó, anh trai Long đang là sinh viên năm 1 của Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, 4 chị em còn lại cũng đang đi học. Bệnh tật, nợ nần đẩy gia đình em vào cảnh đường cùng. Chị gái và 2 em trai kề Long phải bỏ học để làm thuê. Còn Long khăn gói vào Đồng Nai tìm việc mưu sinh. Không một đồng lận lưng, em xin làm thợ rửa xe. Được bao ăn và ở lại trong tiệm rửa xe nên sau gần 3 tháng chăm chỉ làm việc, Long tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng. Một phần em gửi về nhà lo thuốc men cho ba, một phần em thuê phòng trọ, tìm công việc khác. Hết làm phục vụ, bốc vác, Long chuyển sang làm công nhân may giày, may áo quần… Không ngại khó ngại khổ, hễ bất cứ công việc chính đáng nào có thể kiếm tiền để phụ giúp gia đình, Long đều “kinh” qua. Khi Long chuẩn bị thi lại đại học lần hai thì ba em qua đời. Một lần nữa, Long lỡ hẹn với kỳ thi tuyển sinh.
Ba mất, mẹ đau buồn nên Long khăn gói về quê, xin làm thợ cưa gỗ tại một xưởng gỗ gần nhà. Mặc dù bận rộn mưu sinh nhưng chưa bao giờ Nguyễn Thành Long nguôi khao khát vào giảng đường đại học. Bà Lê Thị Kim Loan, mẹ Long nhớ lại: “Một hôm, đi làm về, Long ngồi sà xuống bếp, thủ thỉ với tôi: “Mẹ, con vừa nộp hồ sơ thi lại đại học”. Nghe con nói mà tôi nửa mừng nửa lo. Mừng vì sau bao nhiêu biến cố của gia đình, Long vẫn nuôi dưỡng ý chí đi học, nhưng lo nếu như Long thi đậu, biết lấy đâu ra tiền mà nuôi nó ăn học. Cũng may, Long là đứa hiếu thảo, tự lập và biết nghĩ”.
Quyết định thi lại nhưng vì gia cảnh khó khăn nên Long không học ôn tại trung tâm. Ban ngày, Long vẫn làm công ở xưởng gỗ, tối đến, em chong đèn thức ôn bài đến 1-2 giờ sáng. Gần ngày thi, Long xin nghỉ làm nửa tháng để tập trung “gạo” bài. Long chia sẻ: “Ngày trước, chị gái em rất thích học luật nhưng vì gia cảnh khó khăn, chị phải bỏ học giữa chừng. Em muốn viết tiếp ước mơ dang dở của chị. Tình thương và sự vất vả của mẹ luôn thôi thúc em phải không ngừng nỗ lực. Dẫu biết rằng dù em có đậu đại học, gia đình cũng không có tiền nuôi em ăn học trong 4 năm, nhưng lúc nào mẹ cũng động viên em lạc quan, cố gắng”.
Sau khi thi đại học xong, Long lại về quê gắn bó với công việc ở xưởng gỗ. Ngày biết tin thi được 17 điểm, đậu vào ngành Luật học Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Long mừng quá và xin ông chủ làm thêm một tháng nữa để kiếm tiền nhập học. Long bộc bạch: “Đợi việc học ổn định, em sẽ kiếm việc làm thêm để có thể tự lo cho mình. Hai lần trước, em đã lỡ hẹn với cánh cửa giảng đường đại học nên lần này, dù có khó khăn, em cũng sẽ cố gắng vượt qua để nuôi ước mơ trở thành luật sư”.
Cô giáo Lê Thị Hồng Son, Phó bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Văn Linh nhận xét: “Khi còn học tại trường, Nguyễn Thành Long luôn là học sinh khá giỏi, được thầy cô và bạn bè quý mến. Vì hoàn cảnh gia đình mà hai lần trước, Long không đến được với giảng đường đại học. Vì vậy, lần này em thi đậu là một phần thưởng rất xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của em trong thời gian qua. Tôi tin rằng với bản lĩnh và nghị lực của mình, Long sẽ vượt qua mọi khó khăn để thực hiện ước mơ của mình”.
HÀ MY