Thứ Bảy, 11/01/2025 16:10 CH
Cô giáo trẻ luôn tâm huyết với nghề
Thứ Bảy, 18/10/2014 10:01 SA

Cô giáo Lý Thị Thủy đang hướng dẫn hai em Nguyễn Thị Thu Hiền, Hoàng Lâm Hà Liễu - Ảnh: V.NGUYỄN

Đó là câu chuyện về Lý Thị Thủy, cô giáo dạy Văn người dân tộc Nùng ở Trường THCS-THPT Võ Văn Kiệt (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh). Tốt nghiệp đại học sư phạm Ngữ văn, gần 10 năm đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ vùng cao đầy tâm huyết với nghề này đã nỗ lực phấn đấu không ngừng cho ước mơ thay đổi một định kiến tồn tại từ lâu trong cộng đồng: cán bộ người dân tộc không sánh kịp cán bộ người Kinh về mặt chuyên môn!

 

NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG

 

Sinh năm 1982, quê gốc Lạng Sơn, cùng gia đình di cư vào Nam năm 1989, tốt nghiệp Trường đại học Tây Nguyên (chuyên ngành Ngữ văn, khoa Sư phạm) năm 2005, cô về công tác tại Trường THPT Nguyễn Du thuộc thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh.

 

Tháng 8/2012, theo nguyện vọng về gần nhà, Lý Thị Thủy nhận quyết định thuyên chuyển về trường hiện nay. Dù trường mới thành lập (nâng cấp từ Trường THCS Sơn Giang cũ), cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng đây chính là “cái nôi” tạo điều kiện tốt để cô thực hiện ước mơ từ lâu ấp ủ…

 

Kể về những ngày mới “vào nghề”, chân ướt chân ráo bước lên bục giảng, cô tâm sự: Khó khăn nhiều do “tay nghề” chưa vững; uy tín giảng dạy chưa có nên luôn bị xét nét, thử thách. Với các giáo viên người dân tộc thiểu số (DTTS) như Thủy, còn thêm một áp lực lớn phải đối mặt là sự thiếu tín nhiệm vào năng lực chuyên môn đối với các cán bộ, giáo viên là người dân tộc! Theo lời Thủy, định kiến đó không hoàn toàn sai. Do điều kiện, hoàn cảnh khách quan; do nhu cầu sử dụng cán bộ, viên chức người DTTS tăng cao; do các chính sách hỗ trợ, ưu tiên đào tạo dành cho con em người DTTS của Đảng, Nhà nước (mà nhiều chính sách chưa phải hoàn toàn hợp lý) nên một bộ phận lớn cán bộ, giáo viên người DTTS có trình độ chuyên môn chỉ ở mức… tàm tạm! Tuy vậy, cũng theo Thủy, “phần lớn” không có nghĩa là tất cả!

 

Thay đổi một nếp nghĩ đã ăn sâu trong cộng đồng quả thật không dễ dàng; cô giáo chỉ còn cách phấn đấu, nỗ lực, lấy kết quả công việc làm “bằng chứng sống” để chứng minh.

 

Năm học 2012-2013, Thủy đăng ký dự hội giảng và đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cuối năm 2013, Thủy đạt thêm danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Không dừng lại đó, năm học 2013-2014, cô giáo Lý Thị Thủy nhận trách nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi và dìu dắt 2 học sinh lớp 11 đăng ký dự thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh đạt giải. Đó là em Nguyễn Thị Thu Hiền đạt giải 3 và em Hoàng Lâm Hà Liễu đạt giải khuyến khích. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của cô giáo Thủy! Được tín nhiệm cử làm Tổ trưởng tổ Văn Trường THCS-THPT Võ Văn Kiệt, nhưng không vì thế mà Lý Thị Thủy tự mãn, bằng lòng với những thành quả của mình. Cô luôn có ý thức cầu tiến, lắng nghe, học hỏi, nhờ các đồng nghiệp hỗ trợ về mặt chuyên môn khi cần thiết.

 

VIẾT VĂN ĐỂ DẠY VĂN TỐT HƠN

 

Bên cạnh việc đầu tư cho công tác giáo dục, cô giáo ở tuổi 32 này còn có niềm đam mê văn chương và đã có kết quả bước đầu khá triển vọng. Là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Phú Yên, mới hơn 5 năm cầm bút nhưng cô đã nhận được hàng loạt giải thưởng từ các cuộc thi viết.

 

Đó là giải nhất cuộc thi viết “Thầy tôi” - Báo Tuổi Trẻ năm 2013; giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn và ký 2012-2013 - Tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình); giải 3 cuộc thi viết “Ký ức gia đình thắp sáng tương lai” - Báo Gia đình Việt Nam năm 2012; giải khuyến khích cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” - Báo Phụ Nữ thủ đô năm 2013; giải nhì cuộc thi viết “Tìm hiểu Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng” do tỉnh Quảng Bình tổ chức năm 2013; giải khuyến khích cuộc thi viết do ngân hàng Vietinbank tổ chức năm 2013… Mới đây (6/2014), cô còn đoạt giải ba cuộc thi “Sáng tác thơ - truyện ngắn TP Cần Thơ năm 2013 chào mừng kỷ niệm 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương” ở thể loại truyện ngắn.

 

Được đánh giá là cây bút có triển vọng, nhưng khi được hỏi liệu có dự định đi xa trong nghề văn không, cô giáo vẫn khẳng định: Văn chương giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê viết lách cũng như giúp tôi kiếm thêm thu nhập nhưng cái chính yếu là nó giúp tôi dạy Văn tốt hơn. Với tôi, sự nghiệp giáo dục vẫn là trên hết!

 

Thầy Trần Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Võ Văn Kiệt cho biết: Cô Lý Thị Thủy là một giáo viên nhiệt tình, hết lòng với công việc. Ngoài làm tốt những việc được giao, cô còn có ý chí vươn lên, tự khẳng định mình bằng những thành tích không chỉ trong công tác giáo dục mà còn ở các mặt hoạt động khác.

 

VĂN NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hảo “5 tốt”
Thứ Sáu, 17/10/2014 09:13 SA
Học Bác từ những việc nhỏ nhất
Thứ Năm, 16/10/2014 08:06 SA
Một cựu binh mẫu mực
Thứ Ba, 14/10/2014 08:14 SA
Điểm sáng trong công tác hội
Thứ Bảy, 11/10/2014 11:13 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek