Với trọng trách là Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) may mặc kiêm Trưởng ban Nữ công công đoàn (NCCĐ), chị Phạm Thị Hướng Dương có nhiều nỗ lực cùng ban giám đốc “chèo lái” đưa Công ty cổ phần An Hưng vượt qua khó khăn và đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt. Chị Dương chia sẻ bí quyết thành công là chăm lo đào tạo đội ngũ nhân viên đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo trong công việc; mạnh dạn trong đàm phán, giao dịch, ký kết các hợp đồng với khách hàng mới ở nước ngoài...
Từ một giáo viên dạy tiếng Anh ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình), năm 2004, chị Phạm Thị Hướng Dương (SN 1979) phải bỏ dở công việc để khăn gói theo chồng vào Phú Yên lập nghiệp. Sau cuộc “ly hương”, chị lại xin đi dạy học nhưng nơi nào cũng từ chối. Và “ngã rẽ” cuộc đời làm chị thay đổi công việc đứng trên bục giảng thành một nhân viên theo dõi đơn đặt hàng may mặc. Vạn sự khó, khổ, nhưng với bản tính siêng năng, nhạy bén, chị Dương đã nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới và trở thành cán bộ giỏi trong nhiều phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần An Hưng.
Từ năm 2010, với trọng trách quan trọng nhất trong công ty là Trưởng phòng Kinh doanh XNK may mặc, chị Dương tham mưu cho ban giám đốc các hướng phát triển trong kinh doanh của công ty; luôn giữ vai trò là người đàm phán trong các giao dịch, ký kết hợp đồng; và nhiều năm liền chị đã mạnh dạn đàm phán thành công các đơn hàng lớn với khách hàng tại thị trường Mỹ, Canada,... Chị đưa ra nhiều giải pháp sáng kiến, kinh nghiệm trong công tác, góp phần cải thiện các quy trình sản xuất kinh doanh. Cụ thể như đổi mới công tác quản lý, cải cách hành chính, đào tạo và sắp xếp hợp lý nguồn nhân lực để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh. Chị sớm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, chuẩn hóa dữ liệu thống kê và tìm cách mở rộng thị trường, góp phần tăng doanh thu, tăng năng lực nhà xưởng và tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động từ năm 2011 đến nay. Ông Bùi Xuân Khương, Phó giám đốc Công ty cổ phần An Hưng, cho hay: “Chị Dương là cán bộ năng nổ, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, nắm bắt thị trường, mẫu mã để giúp cho công ty “vượt cạn” trong những thời điểm khó khăn”.
Ngoài việc phấn đấu trở thành một quản lý giỏi, chị Dương đã phát huy vai trò của người cán bộ công đoàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời để động viên, thăm hỏi công nhân lao động (CNLĐ) khi bị ốm đau, bệnh tật…, tạo nên một tập thể đoàn kết thống nhất trong công ty.
Mặc dù vừa bận công việc, vừa một mình lo con còn nhỏ do chồng đi làm xa ở Công ty xây dựng Vĩnh Hưng, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), nhưng chị Dương vẫn luôn hăng say tham gia các hoạt động xã hội của công ty. Chị Dương cho biết: “Trong vai trò là Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) kiêm Trưởng ban Nữ công, tôi đã xác định muốn hoạt động công đoàn tốt thì BCH CĐCS phải là chiếc cầu nối giữa tập thể người lao động và ban giám đốc công ty. Với đặc thù lao động nữ chiếm trên 82% (hơn 1.400 nữ CNV) trên tổng số CNLĐ của công ty, BchCĐCS phải đứng ra chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi thiết thân cho chị em và giữ vững nề nếp phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ”.
LƯU PHONG