Là giáo viên nữ giữ “kỷ lục” về số lần hiến máu tình nguyện tại Trường THCS Trần Quốc Toản, xã Xuân Long (Đồng Xuân), cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết luôn tâm niệm “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Chính vì suy nghĩ này mà mỗi lần Hội Chữ thập đỏ huyện vận động hiến máu, cô đều tự nguyện tham gia.
Cô Tuyết về công tác tại Trường THCS Trần Quốc Toản từ năm 2006. 3 năm sau, cô bắt đầu tham gia hiến máu nhân đạo. Từ đó đến nay, mỗi năm, cô đều tình nguyện hiến máu; có năm cô hiến 2 lần. Cô Tuyết chia sẻ: Hiến máu nhân đạo là một phong trào được toàn xã hội quan tâm hưởng ứng. Là một công dân, một giáo viên, tôi thấy mình cần phải tích cực tham gia hoạt động ý nghĩa này. Tôi nghĩ mỗi người tình nguyện góp thêm một giọt máu cho cộng đồng thì nhiều người sẽ có cơ hội vượt qua hiểm nguy, giữ lại mạng sống. Theo cô Tuyết, hiến máu không những không ảnh hưởng đến sức khỏe mà ngược lại có thể làm cho mình khỏe hơn. Hiến máu giống như một cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trước khi hiến, tình nguyện viên sẽ được thử máu để xét nghiệm nhanh các loại bệnh có nguy cơ lây nhiễm qua đường máu. Người nào được phép cho hiến máu tức là khỏe mạnh. Sau khi hiến, tình nguyện viên chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là sức khỏe phục hồi và có thể làm việc bình thường.
Đến nay, cô Tuyết giữ “kỷ lục” là nữ giáo viên hiến máu nhân đạo nhiều nhất Trường THCS Trần Quốc Toản. Cô kể: Hai lần đầu, tôi đi hiến máu bình thường, không hiểu sao đến lần thứ 3 thì xảy ra “sự cố”. Hôm đó, y tá đưa kim tiêm vào tay phải của tôi để lấy máu nhưng không được, đành phải rút kim ra và… chuyển sang tay trái. Lúc này, tôi bắt đầu thấy mệt và muốn thôi nhưng nghĩ lại điều mình vẫn tâm niệm rằng “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” nên tôi vẫn ở lại hiến máu. Hiến xong thì tôi bị choáng, muốn xỉu. Lần đó, người nhà thấy tôi không khỏe nên khuyên không nên đi hiến máu nữa. Tôi phải thuyết phục rất nhiều và tự hứa với mọi người sẽ giữ gìn sức khỏe thật tốt thì mọi người mới đồng ý cho
tôi đi hiến vào những lần sau. Khi nào xã hội còn cần những giọt máu tình nguyện thì tôi còn tiếp tục hiến máu.
Hiện cô Tuyết dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Trần Quốc Toản. Ngoài công tác chuyên môn, cô Tuyết còn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, là “hạt nhân” phong trào của trường, của xã Xuân Long. Theo cô Tuyết, việc tập luyện thể dục thể thao, tham gia các phong trào văn nghệ không những giúp cuộc sống thêm tươi trẻ mà đó cũng là cách để cô rèn luyện sức khỏe, sẵn sàng cho máu cứu người khi cần thiết. “Đến nay, tôi mới chỉ tham gia hiến máu định kỳ vào những lần Hội Chữ thập đỏ huyện Đồng Xuân vận động. Nếu có trường hợp nào cần máu cấp cứu, tôi sẵn sàng hiến. Là một giáo viên dạy văn, mà dạy văn là dạy làm người nên thông qua những hoạt động tình nguyện của mình, tôi muốn nêu gương, giúp các em học sinh biết làm những điều tốt, có ích cho xã hội, hướng tới Chân, Thiện, Mỹ ngay từ khi còn đi học và cả sau này khi bước vào đời”, cô Tuyết nói.
Thầy Phan Hưng Tuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản cho biết: Trường có 35 cán bộ, giáo viên. Theo chỉ tiêu cấp trên giao thì mỗi năm trường phải hiến máu 6 lượt. 5 năm qua, cán bộ, giáo viên nhà trường đã hiến hơn 30 lượt, đảm bảo chỉ tiêu trên giao; trong đó, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết hiến máu 5 lần. Cô là một giáo viên năng động, nhiệt tình, tâm huyết với các phong trào tình nguyện. Nhờ những “đầu tàu” như cô Tuyết mà nhiều cán bộ, giáo viên của trường đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội do trường, xã tổ chức. Trường THCS Trần Quốc Toản đã thành lập Chi hội Chữ thập đỏ để tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên tham gia các hoạt động tình nguyện.
VIỆT AN