Vừa mở cơ sở, vừa mua bán nguyên liệu làm chổi đót (đót và cọng dừa), mỗi năm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tâm ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng (Phú Hòa) có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tâm thi đậu vào Trường trung cấp Xây dựng số 6 (nay là Trường đại học Xây dựng Miền Trung). Học được 6 tháng, anh phải nghỉ giữa chừng để giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học. Anh Tâm kể: “Hồi đó cuộc sống vất vả lắm, tôi phải chạy vạy làm thuê đủ nghề. Có lúc, tôi theo bạn bè vào tận Tây Ninh mua bán xe máy cũ nhưng chẳng đủ sống. Tôi đành quay về quê, cùng mẹ bó chổi đót thuê cho các cơ sở sản xuất trong thôn để kiếm sống qua ngày. Được một thời gian, thấy nghề bó chổi không khó, thị trường tiêu thụ mạnh, nên khi có được ít vốn, tôi bàn với mẹ tự làm tại nhà. Hàng ngày, tôi mua đót và cọng dừa về cho cả nhà cùng bó chổi rồi chở đi bán; được một thời gian thì quyết tâm bám trụ với nghề này”.
Năm 2000, sau khi lập gia đình, anh Tâm ra ở riêng, vay Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Phú Hòa được 8 triệu đồng rồi mượn thêm tiền của người thân tổng cộng 30 triệu đồng để mở cơ sở sản xuất chổi đót. Thời gian đầu, anh mua 3 tấn nguyên liệu đót, hàng ngày cùng vợ bó chổi, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh dùng tiền lời mua thêm nguyên liệu để làm chổi. Cứ thế, cơ sở sản xuất chổi đót của anh ngày càng mở rộng. Năm 2012, anh Tâm vay thêm 50 triệu đồng từ Quỹ tín dụng nhân dân xã Hòa Thắng, cộng với số tiền tích lũy trong nhiều năm, đầu tư mua 18 tấn đót và 7 tấn cọng dừa, vừa bán nguyên liệu thô, vừa thuê công lành nghề làm chổi đót và mở rộng thị trường tiêu thụ. Anh Tâm cho biết: “Mỗi tấn đót có giá từ 20 đến 24 triệu đồng, tùy thuộc vào mùa. Còn cọng dừa loại 1 (trắng) gần 9,5 triệu đồng/tấn và loại 2 (đen) là 6 triệu đồng/tấn. Nguồn nguyên liệu này ở Phú Yên hiện không cung cấp đủ nên tôi phải đi đến các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Trà Vinh, Bến Tre mua thêm để cơ sở hoạt động thường xuyên”.
“Ăn nên làm ra”, vợ chồng anh Tâm mạnh dạn mở thêm cơ sở sản xuất chổi đót thứ 2. Hiện 2 cơ sở sản xuất chổi đót của gia đình anh có 12 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, 2 cơ sở này sản xuất từ 500 đến 700 cái chổi. Phần lớn sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Gia Lai... Nhờ có đầu ra ổn định, ngoài sản phẩm do các cơ sở mình sản xuất, vợ chồng anh Tâm còn thu mua chổi của bà con trong thôn làm ra, đưa đi các nơi tiêu thụ. Bà Mận, một người bó chổi đót tại nhà ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng) thổ lộ: “Không chỉ bán nợ nguyên liệu, vợ chồng anh Tâm còn thu gom chổi thành phẩm đưa đi các nơi tiêu thụ giúp nên tôi không còn lo lắng về đầu ra. Thu nhập của gia đình tôi nhờ vậy mà ngày càng khá, không phải chạy ăn từng bữa như trước đây nữa”.
Hiện nay, mỗi tháng, 2 cơ sở sản xuất của anh Tâm tiêu thụ khoảng 30 tấn đót và cọng dừa; riêng sản xuất hàng bán tết (từ tháng Chạp đến tháng 2 âm lịch), mỗi ngày tiêu thụ 2 tấn. Anh Tâm cho biết, nhờ nghề bó chổi đót này, vợ chồng anh không chỉ trả hết nợ mà còn xây được nhà tầng; tích lũy vốn lưu động gần 1 tỉ đồng.
Theo ông Diệp Tấn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thắng, không chỉ làm giàu cho gia đình, vợ chồng anh Tâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt ở các địa phương khác. Ngoài ra, anh Tâm còn tạo điều kiện cho người dân trong thôn mượn vốn làm chổi đót. Những gia đình nghèo muốn bó chổi để bán nhưng không có tiền mua nguyên liệu, anh Tâm sẵn sàng bán nợ. Với những hộ quá khó khăn, anh Tâm vừa cho mượn nguyên liệu vừa hướng dẫn kỹ thuật bó chổi đẹp, bền, dễ tiêu thụ. Nhờ vậy mà nhiều người nghèo trong thôn đã vươn lên thoát nghèo. Mới đây, anh Tâm được Hội Nông dân huyện Phú Hòa tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.
HIẾU TRUNG