Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng, điều phối viên dự án Phát triển cao su tiểu điền (Sở NN-PTNT) luôn nhiệt tình công việc, lên vùng cao tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cạo mủ cao su. Từ đó mà người trồng cao su thu hoạch hiệu quả, mang lại thu nhập cao.
Anh Nguyễn Đức Thắng (phải) theo dõi nông dân thực hành kỹ thuật cạo mủ cao su - Ảnh: H.NAM
Toàn tỉnh có xấp xỉ 4.000ha cao su, tập trung ở 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Trong đó, diện tích cho khai thác mủ thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền là 1.800ha, còn lại do nhân dân tự trồng.
Đối với cao su khi thu hoạch, kỹ thuật cạo mủ là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, tuổi thọ của cây. Tuy nhiên, lâu nay việc cạo mủ nhiều người chủ yếu “học lỏm” kinh nghiệm từ những người đi trước, rồi làm theo nên kỹ thuật không đạt. Chính vì vậy dẫn đến vỏ tái sinh của cây cao su bị sẹo, thân cây xuất hiện nhiều u lồi, làm ảnh hưởng đến năng suất mủ các vụ sau, cũng như khả năng khó cạo mủ lại trên vỏ cây tái sinh. Không những thế, nhiều người còn “tận thu” mủ, khi cây từ 6 đến 7 năm tuổi thu theo dạng Đ3 (thu 1 đêm, nghỉ 3 đêm), rồi nâng lên mức Đ2, tận thu mủ để bán kiếm tiền, dẫn đến lượng mủ giảm, cây rủ lá.
Không những tận thu mủ, nhiều người còn vắt kiệt sức cây cao su bằng cách sử dụng thuốc kích thích nên sau đó cây cao su xuống lá, từ màu xanh chuyển sang màu đỏ rồi héo dần. Bên cạnh đó, kỹ thuật bón phân không hợp lý cũng đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây cao su. Cây phát triển chậm, ít mủ, thời gian cho mủ cũng ngắn nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp.
Qua khảo sát nắm rõ sự việc, điều phối viên Nguyễn Đức Thắng đã chủ động liên kết với các chuyên gia mở các khóa tập huấn kỹ thuật chăm sóc, khai thác và phòng trừ sâu bệnh hại cây cao su cho người dân. Trong năm 2013, chương trình đã đào tạo cho 250 nông dân ở các xã Ea Trol, Ea Bá, Ea Ly (Sông Hinh), Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hòa). Những người tham gia khóa đào tạo được truyền đạt kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây theo từng giai đoạn; phát hiện, phòng trừ sâu bệnh trên cây cao su và kỹ thuật khai thác mủ. Ông Nguyễn Chí Linh ở xã Sơn Định bộc bạch: “Lâu nay chúng tôi tự tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cao su. Còn nay, sau khi dự các lớp tập huấn, hộ nào cũng biết áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su theo đúng quy trình, nhờ vậy mà cây phát triển tốt”.
Anh Thắng chia sẻ: “Để cây cao su cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế mang lại bền vững, chúng tôi tập trung tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch mủ cao su. Khi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, những vườn cây cao su từng bị vắt kiệt sức đã được phục hồi, thu hoạch nhiều mủ hơn”.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT nhận xét: Anh Thắng được lãnh đạo sở phân công làm điều phối viên dự án Phát triển cao su tiểu điền. Là người nhiệt tình, trách nhiệm cao trong công việc, anh đã đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, chăm sóc và khai thác, từ đó người trồng cao su có thu nhập cao hơn. Thời gian đến, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng chuyển những diện tích đất trồng rừng và các loại cây khác hiệu quả thấp sang trồng cao su.
HOÀI NAM