Bà con ở thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) luôn quý mến người lính năm xưa, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn, vì ông luôn chăm chỉ, biết làm giàu cho bản thân, nuôi dạy con học giỏi. Ông là Vũ Hoàng Long, nay đã 70 tuổi.
Ông Vũ Hoàng Long - người thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi - Ảnh: K.CHI
Chúng tôi đến nhà ông Long vào giữa trưa. Trên các bức tường nhà, chỗ nào cũng được ông treo trang trọng Huân chương Chiến công, Huân chương Giải phóng, Huân chương Kháng chiến…
Trong cuộc trò chuyện, ông chậm rãi kể về cuộc đời thăng trầm của mình: Năm 1961, khi mới 17 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, không mảy may suy nghĩ hơn thiệt, tôi nhập ngũ. Lúc đó, tôi tham gia quân giải phóng, được biên chế vào đơn vị 205 thuộc Tỉnh đội Phú Yên. Đến tháng 2/1962 thì vào Trường Quân chính (Quân khu 5). Từ năm 1963 đến 1967, tôi là đại đội trưởng, rồi chính trị viên F50 chiến đấu ở chiến trường Phú Yên. Năm 1968, tôi tham gia chiến dịch Mậu Thân đánh vào TX Tuy Hòa (cũ) cùng Tiểu đoàn 12 Ngô Quyền. Năm 1969, làm chính trị viên KP7 hoạt động tại huyện Sông Cầu. Năm 1970 và 1974, là học viên lớp chính trị, Tiểu đoàn Trường Quân chính Quân khu 5, sau đó được rút ở lại làm chính trị viên phân khoa 3 kiêm giáo viên trường. Từ năm 1975 đến tháng 3/1976, tôi được điều làm tổ trưởng tổ quy hoạch điều tra nguồn đào tạo quân đội do Phòng Chính trị quân khu quản lý các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Năm 1976, tôi về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk. Cũng chính ở Đắk Lắk, tôi đã được gặp người vợ đầu tiên của mình - là cán bộ, đảng viên bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo. Thế nhưng oái ăm thay, cuối năm 1978, khi vừa sinh con, vợ tôi qua đời do vết thương cũ tái phát. Bản thân vừa làm việc vừa nuôi con đến năm 1980, do điều kiện khó khăn, tôi nghỉ việc để chuyển về xã Hòa Phong (Tây Hòa), rồi đi thêm bước nữa với người phụ nữ ở xã là bà nhà tôi bây giờ.
“Khó lắm” là từ được ông nhắc nhiều trong câu chuyện kể về mình. Trở về Hòa Phong vào năm 1981, thời gian đầu vợ chồng ông sống cùng các con trong căn nhà lá xiêu vẹo. Ngày nắng thì đêm nằm nhìn thấy sao trời, ngày mưa thì dột, phải dùng chậu thau hứng nước... Dẫu có ruộng nhưng năng suất thấp, đến mùa thu hoạch chẳng được bao nhiêu, cho nên cuộc sống gia đình luôn trong cảnh đói nghèo. Song khắc ghi lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế", đã tiếp thêm cho ông nghị lực. Nghĩ là làm, từ hai bàn tay trắng, chỉ nhờ vào 6 tháng trợ cấp của Nhà nước, năm 1982 cả gia đình dắt díu nhau đến vùng kinh tế mới huyện Sông Hinh để làm lại từ đầu. “Quãng thời gian đó thật là vất vả. Thiếu ăn, thiếu mặc triền miên, vợ chồng tôi chỉ có trồng rau vừa bán vừa ăn, kiếm tiềm mua thức ăn cho con. Lúc đầu lên lập nghiệp, đất đai bạt ngàn, cả gia đình thi nhau khai hoang để có đất trồng cây. Thời gian sau, có ít vốn, vợ chồng lại mở tiệm bán tạp hóa, nuôi bò, heo, trồng rau muống… nhờ vậy mà có thu nhập để nuôi 4 đứa con”.
Với ý chí và quyết tâm vượt khó, những năm sau đó, cây trái vườn nhà bắt đầu thu hoạch, năm sau nhiều hơn năm trước. Cứ thế, giờ đây, ông Long có trang trại rộng hơn 3ha trồng các loại cây, cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Điều làm chúng tôi khâm phục là từ gian khó đến khi đời sống ổn định hơn, ông chưa bao giờ từ bỏ nguyện vọng xây dựng gia đình hiếu học, nên ông quyết tâm cho con ăn học thành tài. Và đến nay, 4 người con của ông đều đỗ đại học, học lên thạc sĩ, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện nay, các con của ông đang công tác tại Trường đại học Cảnh sát nhân dân, đại học Văn Hiến, làm giáo viên…
Với cương vị là Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Hai Riêng, ông Long luôn tiên phong với những việc làm thiết thực phục vụ cho địa phương. Ông tích cực tham gia các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa ở địa phương. Hiện nay Hội Người cao tuổi thị trấn Hai Riêng có 600 hội viên sinh hoạt tại 15 chi hội. Ông đã cùng các thành viên trong hội vận động đóng góp nguồn quỹ của địa phương; giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong hội. Ông Long tâm sự: "Quê hương còn nghèo, nên tôi muốn góp phần nhỏ bé để đồng đội và bà con vơi bớt khó khăn.
Nghị lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, cùng tấm lòng thơm thảo của người thương binh nặng Vũ Hoàng Long được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Ông Nay Y Mau, Phó chủ tịch UBND thị trấn Hai Riêng cho biết: “Gia đình bác Long là gia đình chính sách mẫu mực. Thời chiến tranh, ông đã đổ xương máu để bảo vệ Tổ quốc, trong thời bình dù tuổi cao, sức yếu nhưng bác ấy chưa nghỉ ngơi mà vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động nhân đạo và là một trong những người làm kinh tế giỏi của địa phương.
KIM CHI