Chủ tịch UBND tỉnh Đào Tấn Lộc phát biểu tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khoá V - Ảnh: Minh Ký |
1. VỀ CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH:
Tính đến ngày 20-12-2005, qua báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đã thu được 438 tỉ đồng, còn hơn 100 tỷ đồng nữa mới đạt dự toán thu ngân sách.
Như thường lệ mọi năm, thì gần cuối năm mới tập trung thu rốt ráo các khoản thuế nhất là đối với các doanh nghiệp, thu các khoản nợ đọng, tính toán đúng lại các khoản thu tiền đất và thu ngoài cân đối trong ngân sách (viện phí, học phí, tiền đóng góp của dân xây dựng cơ sở hạ tầng và phúc lợi…). Do thời tiết không thuận lợi một số nguồn thu không thực hiện được nên khả năng nguồn thu năm nay không đạt kế hoạch chỉ có thể đạt trên 500 tỉ đồng. Dù vậy từ nay đến cuối năm, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các ngành, các doanh nghiệp, phải tập trung cao độ công tác thu ngân sách để đạt cao hơn.
Năm 2006, nguồn thu ngân sách tỉnh ta chưa được cải thiện đáng kể, vì chưa có các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn làm chỗ dựa, một số nhà máy mới đi vào hoạt động thì vẫn còn đang miễn giảm qua chính sách ưu đãi, thị trường đất đai cũng chưa sáng sủa... Khả năng cao nhất cũng chỉ 585 tỉ đồng. Để có nguồn thu tăng, như báo cáo UBND tỉnh và ý kiến Ban Kinh tế-Ngân sách, các ngành cần tập trung giúp đỡ mở rộng sản xuất của Cty Cổ phần Bia Sài Gòn, Công ty Dược-VTYT, hỗ trợ Cty Vật tư Tổng hợp (gas và nhập xăng dầu) và thúc đẩy tiến độ xây dựng hoàn thành Nhà máy Ô tô JRD và Cảng Vũng Rô đưa vào hoạt động, để có nguồn thu mới cho tỉnh.
2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN CÔNG TÁC XDCB.
Tôi rất hoan nghênh kết quả giám sát của Thường trực HĐND và của Ban KT-NS của HĐND trên lĩnh vực XDCB trong tỉnh, nêu ra nhiều vấn đề cần quan tâm trong quản lý XDCB.
Rõ ràng bên cạnh những thành tích được nêu trong báo cáo, thì cũng đang tồn tại nhiều mặt bất cập, khuyết điểm, có mặt đã có trong các năm trước nhưng chưa được khắc phục có hiệu quả, thậm chí có vụ việc xảy ra sai phạm nghiêm trọng phải khởi tố vụ án như vụ kè Bạch Đằng mà báo chí đã đăng tải.
Nhiều công trình triển khai chậm, thời gian làm thiết kế dự toán, vừa dài vừa có độ tin cậy không cao, có công trình thiết kế dự toán phải bổ sung 2-3 lần, trách nhiệm quản lý của chủ đầu tư kém, năng lực nhà thầu yếu, việc giải phóng mặt bằng tái định cư ở một số công trình chậm, việc giám sát của các ngành chức năng không chặt chẽ nên phát hiện sai sót chậm, có trường hợp tự ý A và B thoả thuận làm sai thiết kế được phê duyệt dẫn đến giảm chất lượng công trình…
Tình hình trên có một phần có nguyên nhân khách quan: Nhiều văn bản pháp luật mới về đất đai và xây dựng làm thay đổi đơn giá dự toán, đơn giá đền bù, phải làm đi làm lại dự toán công trình; giá cả sắt thép, xăng dầu có biến động lớn làm cho một số nhà thầu kéo dài chờ giá; thời tiết mưa lũ cuối năm kéo dài làm ảnh hưởng tiến độ hoàn công một số công trình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rằng càng đi sâu vào công cuộc CNH-HĐH, thì công trình XDCB ngày càng có qui mô lớn và tính chất càng phức tạp mà đội ngũ chúng ta chưa có kinh nghiệm quản lý, dễ xảy ra lúng túng, bất cập từ chủ trương đầu tư, đến đội ngũ quản lý, tư vấn thi công. Nhưng phải nghiêm túc nhìn nhận nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: việc phân bổ vốn vẫn còn phân tán (nhất là trụ sở); một số chủ đầu tư năng lực kém trong quản lý do thiếu chuyên nghiệp; việc chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công có trường hợp không dựa vào tiêu chuẩn năng lực nên dẫn đến nhà thầu năng lực kém; tổ chức giám sát đầu tư, giám sát xây dựng chưa chặt chẽ và chưa áp dụng những biện pháp xử lý nghiêm khi có sai sót; việc phối hợp giữa chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, nhà thầu và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến một số trở ngại trong quá trình thi công… làm công trình kéo dài.
Sắp đến, để khắc phục có hiệu quả từng bước các vấn đề trên, UBND tỉnh sẽ tập trung:
- Rà soát bổ sung qui hoạch, bảo đảm cơ sở cho chủ trương đầu tư, để không phải sửa chữa bổ sung nhiều lần các dự án.
- Tập trung vốn XDCB để trả nợ, và thực hiện một số công trình chuyển tiếp, cắt giảm một số công trình hoặc hạng mục công trình chưa cần thiết, không mở công trình mới nếu không có nguồn vốn rõ ràng.
- Tăng tính chuyên nghiệp trong quản lý DA, trừ các ngành có Ban quản lý DA chuyên trách, còn lại sẽ xem xét chuyển dần các DA cho Ban Quản lý các DA trọng điểm quản lý. Tăng cường lực lượng chuyên môn nghiệp vụ cho các Ban QLDA chuyên trách này.
- Chuẩn bị sớm các khu vực tái định cư đủ điều kiện tối thiểu CSHT để bố trí dân cư, tính toán thật chính xác phương án đền bù cho dân, phối hợp thực hiện các biện pháp vận động di dời hiệu quả. Trước hết quí 1/2006 giải quyết xong các tồn đọng mặt bằng của các DA trọng điểm để thi công nhanh.
- Xử lý thật nghiêm các sai phạm trong XDCB. Các trường hợp thiếu trách nhiệm, hoặc cố ý làm trái gây ảnh hưởng đến các công trình lớn đều sẽ đưa ra pháp luật xét xử. Mọi sai sót trong thiết kế, thi công, giám sát… thì người gây sai sót phải tự đền bù để khắc phục.
- Riêng dự án cơ sở hạ tầng khu đô thị Nam Tuy Hoà-Vũng Rô là DA lớn được Chính phủ cho phép, phải tập trung theo dõi chỉ đạo chặt chẽ, ưu tiên các công trình bức xúc: kè bờ nam, mặt bằng đô thị, cầu Hùng Vương (nếu không có cầu Hùng Vương sẽ không bán đất được).
* Về bố trí vốn đầu tư 2006.
- Cơ bản giữ nguyên các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ, nguồn vốn các chương trình mục tiêu, nguồn vốn trái phiếu chính phủ… thực hiện đúng theo bố trí của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Phân vốn XDCB tập trung, ưu tiên bố trí cho các huyện, TP tương đương năm trước, trong đó có chú ý các huyện mới. Các huyện, TP phải tăng cường huy động vốn từ quĩ đất phấn đấu cao hơn kế hoạch tỉnh giao, đồng thời có biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân, qua đó tạo nguồn đầu tư bảo đảm các yêu cầu bức xúc của từng địa phương. Nếu giá sàn đấu giá cao hơn giá do UBND tỉnh qui định thì không cần xin phép.
- UBND tỉnh giao các sở tìm kiếm các nguồn ODA để hỗ trợ các công trình cơ sở hạ tầng và phúc lợi XH ở các huyện TP. Các huyện TP có các DA nguồn ODA như lưới điện RE2, cấp nước, VSMT, giao thông, thủy lợi… cần chủ động phối hợp với các sở để triển khai hiệu quả, đúng tiến độ. Phần vốn còn lại, ưu tiên trả nợ vay đến hạn, trả một phần nợ cũ tồn đọng trong XDCB, hoàn ứng trả lại các chương trình mục tiêu và bố trí thực hiện các DA chuyển tiếp. Cơ bản không bố trí DA mới từ nguồn tập trung.
Do vậy, vẫn có một số trường hợp tỉnh có chủ trương cho lập DA chủ yếu là nhằm tìm cơ hội đăng ký với Trung ương và chờ nguồn ODA, NGO… không cho thực hiện các bước tiếp theo. Có trường hợp phải chia nhiều giai đoạn đầu tư, nên chỉ ghi thời gian bắt đầu mà chưa định được thời gian kết thúc, việc xác định thời gian thực hiện các gói thầu thông qua các hợp đồng kinh tế cụ thể (không nên lập lờ vấn đề và không ghi thời gian hoàn thành cả DA mà kéo dài thời gian hoàn thành gói thầu).
Từ năm 2006 Sở Kế hoạch và ĐT và UBND các huyện TP phải kiểm soát chặt việc mở dự án mới, nếu không bảo đảm nguồn vốn bố trí tập trung trong thời gian như trên thì không được phép trình lên UBND tỉnh quyết định hoặc tự quyết định đầu tư theo thẩm quyền. Giao Thanh tra tỉnh đưa nội dung này vào thành một nội dung chương trình thanh tra XDCB hàng năm và giao Sở Kế hoạch và ĐT sử dụng Thanh tra Sở kiểm soát về việc phân bổ vốn và các thủ tục đầu tư, nhất thiết không để bố trí vốn khi chưa đủ thủ tục đầu tư theo Chỉ thị 28 của Thủ tướng Chính phủ và bố trí vốn phải gom đúng thời gian theo nhóm dự án, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong các năm sau.
- Giao Sở KHĐT và Ban Chỉ đạo Điều hành các DA lớn tập trung kiểm soát chặt chẽ các DA trọng điểm, bố trí đủ vốn, giúp chủ đầu tư giải quyết kịp thời các vướng mắc và phát hiện kịp thời việc sai phạm hay để chậm tiến độ, báo cáo ngay UBND tỉnh có biện pháp xử lý. (Việc tạm mượn 26 tỉ đồng từ DA này là cân nhắc khả năng thi công, sẽ bố trí lại 2006, không để ứ vốn phải trả phí).
- Những ý kiến của Mặt trận và của Đại biểu HĐND trong kỳ họp là cần tập trung thanh tra, giám sát đối với XDCB, năm 2006 UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thanh tra kiểm tra mạnh hơn (kể cả Thanh tra Tỉnh, Thanh tra các ngành), và xử lý kiên quyết các sai phạm. Đề nghị HĐND đẩy mạnh các chương trình giám sát lĩnh vực quan trọng này.
3. TỔ CHỨC TỐT THU HÚT ĐẦU TƯ ĐỂ TĂNG TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN:
Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, nếu thực hiện thu hút đầu tư không tốt thì tốc độ phát triển sẽ chựng lại. Năm 2006, nếu không đạt được tốc độ tăng GDP trên mức 11,5%, thì không tạo được một khởi động nhằm đạt bình quân tăng GDP trong 5 năm tới là 13,0%.
Tập trung thực hiện các giải pháp:
- Rà soát, bổ sung hoàn thiện các chính sách thu hút đầu tư vừa cởi mở, nhưng vừa bảo đảm tuân thủ luật pháp. Nhất là việc cải thiện các thủ tục đầu tư theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, một cửa (Ban Quản lý các KCN nếu trong các KCN và Sở KHĐT nếu dự án ngoài KCN). Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, TP phải nghe ngóng ý kiến các DN, các nhà đầu tư để kịp thời chấn chỉnh các phòng ban, các cán bộ công chức thừa hành… chống nhũng nhiễu tiêu cực (không sợ cấp trên mà sợ cấp dưới).
- Nghiên cứu thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất các bộ phận xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại của các sở, ban. Tổ chức xây dựng thành một cơ quan hoạt động hiệu quả, góp phần vào việc thu hút đầu tư và tham mưu cho tỉnh những công việc liên quan hội nhập kinh tế quốc tế.
- Theo dõi và giúp đỡ kịp thời các nhà đầu tư đang hoạt động trong tỉnh, giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ tích cực việc mở rộng sản xuất: như đối với Công ty KCP, Dự án mở rộng Nhà máy bia, Nhà máy dược phẩm, Công ty Rapesco, Cty CP Dầu khí Sài Gòn-Phú Yên, các doanh nghiệp nuôi thủy sản ở An Hải, Xuân Thọ… Việc mở rộng đầu tư dễ mang lại hiệu quả và có tác dụng ngay trong năm sản xuất.
Đối với các dự án lớn: lọc dầu, ô tô, thủy điện, giấy và bột giấy,… Các ngành KHĐT, Công nghiệp và các ngành hữu quan phải quan tâm đặc biệt tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, hỗ trợ ngoài hàng rào để DA triển khai đầu tư có hiệu quả. Đây là những dự án lớn khi hoạt động, sẽ tạo ra các đột phá về kinh tế và ngân sách cho tỉnh trong các năm tiếp theo.
- Rà soát lại các KCN, điểm CN đang có khắc phục các mặt yếu và ưu tiên tập trung thu hút vào các KCN, điểm CN này. Đồng thời tạo cơ chế để các nhà đầu tư tham gia đầu tư kinh doanh KCN hoặc đầu tư trước cơ sở hạ tầng KCN nhận trả sau.
- Chuẩn bị cơ chế chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia ứng vốn đầu tư khu đô thị bờ Nam Tuy Hoà, nhận lại một phần quĩ đất, nhằm giảm áp lực vốn cho dự án này và tạo điều kiện phát triển nhanh thành phố.
- Rà soát lại quĩ đất dành cho du lịch và dịch vụ, hoàn thiện các qui hoạch để có cơ sở tiếp tục thu hút đầu tư. Đồng thời, kiểm tra các dự án đăng ký đến hạn nhưng không triển khai, hoặc triển khai không đạt yêu cầu đăng ký thì thu hồi giấy phép để chuyển cho các nhà đầu tư khác. Có chính sách ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia đầu tư mở mang các dịch vụ.
4. VỀ THÚC ĐẨY CHƯƠNG TRÌNH XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO-XOÁ NHÀ TẠM:
Theo tiêu chí hộ nghèo cũ trước nay thì tỉnh ta còn 5,1% số hộ nghèo. Trong 4 năm từ 2002 đến 2005, chúng ta đã tổ chức giúp đỡ xoá nhà tạm (kể cả CT 134) được hơn 4.900 nhà, cơ bản kết thúc giai đoạn 1 xoá nhà tạm (còn 276 nhà tạm, nhưng không có đất ở, không có vốn tham gia, phải ở nhờ đất người khác, nên chưa xoá được). Nhưng theo tiêu chí mới QĐ 170/2005 của Chính phủ, thì qua điều tra cho thấy tỉnh ta còn 16,55% hộ nghèo. Số nhà tạm của hộ nghèo tăng lên 2.891 nhà (kể cả 276 nhà tạm tiêu chí cũ), nếu kể cả 590 nhà thuộc CT 134 thì tổng số 3.481 nhà. Giúp đỡ xoá đựơc số này xong, tỉnh ta đã hoàn thành giai đoạn 2 và cơ bản thực hiện xong Chương trình xoá nhà tạm toàn tỉnh.
a/ Đối với chương trình xoá nhà tạm: Đây là chương trình có tính nhân văn cao, được xã hội rất đồng tình. Tôi đề nghị HĐND tỉnh đồng tình chủ trương thực hiện mạnh mẽ để dứt điểm cơ bản trong 2 năm 2006-2007. Trong đó:
- Năm 2006: thực hiện khoảng 2000 nhà tạm hộ nghèo và 590 nhà dột nát đồng bào dân tộc thiểu số CT134 (dứt điểm xong phần giúp nhà ở CT134)
- Năm 2007: Khoảng gần 900 nhà còn lại (chưa kể phát sinh trong XH).
Để làm được việc này, phải tập trung mấy việc:
+ Đối với các hộ ở nhờ đất, không đủ diện tích đất ở để làm nhà: Các huyện, thành phố và xã phải tập trung vận động nhân dân giúp đỡ cho người ở nhờ sửa chữa nhà hoặc bố trí mặt bằng với diện tích 50-60m2 giúp hộ nghèo có đất ở. Khó nhất là TP Tuy Hoà, nhưng tôi tin là làm được vì số hộ này không nhiều.
+ Bảo đảm đủ nguồn hỗ trợ: Trừ 590 hộ Chương trình 134 do CP giúp, thì chúng ta cần có 10 tỉ đồng năm 2006 và 4,5 tỉ đồng năm 2007. Kết hợp nhiều nguồn vốn: từ chuyển Quĩ XĐGN sang một phần, nguồn thu được qua đêm giao lưu Vì người nghèo tại TP HCM, và vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm, hỗ trợ thêm từ ngân sách… là có thể bảo đảm được.
+ Số tiền hỗ trợ chỉ đủ mua vật tư, nên đòi hỏi BCĐ các cấp phải vận động công sức làng xóm, dòng tộc, bản thân hộ nghèo… tham gia, mới hoàn thành được Chương trình.
b/ Về hỗ trợ hộ nghèo để giảm nghèo 2-2,5% trong năm:
+ Kết quả giảm hộ nghèo là nhờ nhiều yếu tố: tạo nguồn vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, nâng điều kiện sống và sản xuất, giúp đỡ học hành và chữa bệnh, giúp xoá nhà tạm… qua đó tạo ra không chỉ điều kiện có việc làm, mà còn tạo được trạng thái tâm lý cho người nghèo yên tâm vươn lên vượt đói nghèo. Do vậy, nhất thiết phải lồng ghép tốt các Chương trình mục tiêu khác vào Chương trình XĐGN, mới đạt hiệu quả cao.
+ Vai trò giúp đỡ, hướng dẫn của đoàn thể (Nông dân, Phụ nữ, CCB) và vai trò của cán bộ khuyến nông, khuyến ngư trong giúp đỡ cách làm ăn là rất quyết định. Do vậy, các chương trình tín dụng cho người nghèo nên gắn chặt vào các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chương trình giúp nhau vượt nghèo của các đoàn thể, thì tín dụng mới có hiệu quả với người nghèo.
+ Các hộ nghèo thường gắn liền với trình độ văn hoá thấp và có mặc cảm tự ti, không có ý thức đổi nghề nghiệp. Do vậy, việc thúc đẩy phổ cập trung học cơ sở đối với con cái họ, dẫn dắt hoà nhập cộng đồng, giới thiệu việc làm cho con cái họ vào các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là một biện pháp tốt để giúp thoát nghèo.
5. VỀ PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM VÀ AN TOÀN GIAO THÔNG:
a/ Năm 2005, tình hình tội phạm của tỉnh ta giảm không đáng kể, nhưng trọng án lại tăng. Tình hình trộm cắp, có hành vi côn đồ gây thương tích là một vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm. Tôi đề nghị Công an tỉnh cùng UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy mạnh các biện pháp phòng chống tội phạm, đặc biệt là dịp từ nay cho đến sau Tết Nguyên Đán Bính Tuất.
- Tổ chức tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào tự quản ở cơ sở với Công an xã phường thị trấn và dân quân làm nòng cốt, xử lý kiên quyết các hành vi càn quấy gây mất trật tự thôn xóm, trộm cắp tài sản.
- Phân loại đối tượng để quản lý giáo dục, đưa đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước dân, nếu không sửa chữa kiên quyết đưa đi cơ sở giáo dục, giáo dưỡng.
- Lực lượng chuyên nghiệp của Công An tập trung giải quyết làm rõ các vụ trọng án kịp thời, đối phó hiệu quả với các đối tượng gây án chuyên nghiệp và bọn côn đồ hung hãn. Đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Đại hội tỉnh Đảng bộ và các sinh hoạt vui Tết Nguyên Đán.
b/ Về an toàn giao thông:
Tuy đã có sự nỗ lực rất lớn của các ngành các cấp trên lĩnh vực an toàn giao thông, nhưng toàn tỉnh vẫn xảy ra 174 vụ TNGT trong năm 2005 giảm được 1 vụ và 13 người bị thương so năm trước, nhưng số người chết lại tăng 9 người (169/160), không thực hiện được cam kết trước HĐND tỉnh là phấn đấu giảm cả 3 mặt trong ATGT. Với trách nhiệm là Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban ATGT tỉnh, tôi xin tự kiểm điểm trước HĐND tỉnh về việc đã không chỉ đạo hiệu quả công tác ATGT dẫn đến không giảm được cả 3 mặt trong ATGT. Để khắc phục khuyết điểm này trong năm 2006, sẽ tập trung cao hơn trên một số biện pháp:
- Tổ chức việc tuyên truyền giáo dục chấp hành luật pháp ATGT mạnh hơn.
- Tăng cường thêm lực lượng và phương tiện bảo đảm thực hiện tốt hơn công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
- Tăng thêm tuyến đường phải đội mũ bảo hiểm, tăng thêm thời gian các đợt kiểm tra xử lý giữ phương tiện giao thông đối với một số lỗi có tính cố ý.
- Tăng thêm bảnb chỉ dẫn, tín hiệu giao thông, xử lý các điểm đen nguy hiểm trên các tuyến giao thông đường bộ. Giao cho Thường trực Ban ATGT tỉnh phối hợp ngành đường sắt xử lý một số điểm đen trong phần đường sắt qua tỉnh nhất là các đoạn qua đô thị, đoạn có nhiều tuyến đường ngang.
- Thông báo các lỗi vi phạm ATGT có tính cố ý của CBVC và học sinh về cho cơ quan và nhà trường biết để góp phần giáo dục.
6. VỀ VIỆC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, TĂNG CƯỜNG KỶ CƯƠNG NHÀ NƯỚC, ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THANH TRA KIỂM TRA CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC:
a/ Qua báo cáo giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2005, cho thấy nhiều cơ quan trong tỉnh vẫn còn tắc trách, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài thậm chí có trường hợp 5-6 tháng, không thể hiện tinh thần cải cách hành chính. Tôi cũng nghe nhiều cử tri phàn nàn về hồ sơ đất đai, xây dựng… đang tồn đọng kéo dài ở một số huyện, thành phố. Và cũng nhận được nhiều đơn thư khiếu nại về việc chậm thi hành án dân sự ở một số cơ quan thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật (và cả ý kiến của Ban Pháp chế Hội đồng cũng thế).
Tôi đề nghị Giám đốc các sở liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm tra lại các nội dung trên, giải quyết ngay và có báo cáo trước ngày 20-01-2006 cho UBND tỉnh. Các sở khác cũng kiểm tra lại phần mình và giải quyết ngay các tồn đọng.
Chúng ta ai cũng báo cáo đã cải cách hành chính nghiêm túc, nhưng trên thực tế công việc đã và sẽ trả lời tính xác thực của báo cáo.
b/ Qua tổng hợp của Văn phòng UBND tỉnh cho thấy có một số Giám đốc Sở và Chủ tịch UBND huyện, thành phố thực hiện không nghiêm túc, không kịp thời các quyết định hoặc văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, gây bức xúc cho dân hoặc chậm trễ trong công việc. Đặc biệt là đối với một số quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo và kết luận xử lý thanh tra.
Tôi đề nghị từng sở, từng huyện, thành phố tự kiểm tra lại và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản trên. (VP UBND tỉnh thống kê và thông báo các văn bản chưa thi hành kịp thời cho các huyện TP, ngành biết).
Đây là vấn đề liên quan đến kỷ cương nhà nước, cấp dưới nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc, nếu quá trình thực hiện có khó khăn phải báo cáo kịp thời, không để kéo dài.
c/ Thanh tra là công cụ quản lý hết sức quan trọng của Nhà nước, giúp Thủ trưởng cơ quan phát hiện uốn nắn kịp thời các sai sót, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2006, tôi đề nghị Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc các sở ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chuẩn bị kế hoạch thanh tra chặt chẽ và tổ chức thanh tra nghiêm túc. Các lĩnh vực cần tập trung thanh tra là các khâu trong XDCB, sử dụng tài chính công, quản lý đất đai, công tác thuế, tuyển hợp đồng lao động vào cơ quan HCSN, thực hiện chính sách đối với người lao động.
Sau khi có kết quả thanh tra và được cơ quan thẩm quyền kết luận xử lý, thì phải theo dõi đôn đốc việc xử lý thật nghiêm túc đến khi kết thúc. Cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra có trách nhiệm theo dõi xử lý sau thanh tra, báo cáo lại cho người có thẩm quyền biết.
Tất cả mọi trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự đều phải chuyển sang cơ quan điều tra kịp thời để xử lý theo pháp luật.
Cơ quan tài chính có trách nhiệm đề xuất việc bảo đảm kinh phí cho công tác thanh tra đạt hiệu quả cao nhất.
(*) Tựa do Tòa soạn đặt