Sáng nay (21-12), kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Phú Yên khóa V bước vào ngày họp thứ ba. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại hội trường về kế hoạch, nhiệm vụ của tỉnh trong năm 2006. Buổi chiều, lãnh đạo các ngành sẽ lần lượt trả lời chất vấn cử tri.
Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng khai mạc kỳ họp - Ảnh: Minh Ký
Trước đó đúng 8 giờ ngày 19-12, tại hội trường Tỉnh ủy, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa V (nhiệm kỳ 2004 – 2009) đã khai mạc trọng thể với sự có mặt của 48/49 đại biểu HĐND. Tham dự kỳ họp có các đồng chí Nguyễn Thành Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên; Đinh Thanh Đồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đào Tấn Lộc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bá Thanh Kia, Chủ tịch UBMTTTVN tỉnh; các đồng chí cách mạng lão thành và lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thanh Đồng đã đọc diễn văn khai mạc kỳ họp, nhấn mạnh: Đây là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung rất quan trọng. HĐND tỉnh có nhiệm vụ tập trung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2005, phân tích những mặt được, chưa được, những thiếu sót, hạn chế, tìm ra nguyên nhân và đề ra những giải pháp khả thi góp phần tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh năm 2006 và kế hoạch năm năm 2006 – 2010.
Trong 2 ngày đầu làm việc của kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghe Chủ tịch UBND tỉnh Đào Tấn Lộc đọc báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh - quốc phòng trong năm 2005 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2006; báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách năm 2005, dự toán thu chi ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2006; báo cáo tình hình thực hiện xây dựng cơ bản năm 2005 và kế hoạch năm 2006; báo cáo công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống buôn lậu năm 2005 và nhiệm vụ năm 2006; báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gởi đến kỳ họp lần thứ 4 HĐND tỉnh; báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân nhân tỉnh; UBMTTQVN tỉnh thông báo tình hình Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2005 và những kiến nghị của mặt trận; báo cáo kết quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh năm 2005 và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gởi đến thường trực HĐND tỉnh lần thứ 5. UBND tỉnh cũng đã trình 6 tờ trình, các loại phí, quy định tiêu chí các dự án, biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước…
![]() |
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang (bìa phải) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa V |
Buổi chiều ngày làm việc thứ hai, các đại biểu tập trung thảo luận riêng ở 4 tổ. Các đại biểu đã quan tâm thảo luận, phân tích những kết quả đạt được cũng như những mặt còn tồn tại trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh – quốc phòng trong năm 2005.
TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ KHÁ, NHƯNG CHẤT LƯỢNG CHƯA CAO
Năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 10,4%, tuy không đạt kế hoạch đề ra 11-11,5% nhưng tốc độ GDP bình quân giai đoạn 2001 – 2005 là 10,7% (KH là 10 – 10,5%) cho thấy nền kinh tế của Phú Yên phát triển theo chiều hướng tích cực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp phát triển chưa vững chắc, cơ cấu nhiều cây trồng, vật nuôi chưa định hình rõ nét, vẫn còn lúng túng trong chiến lược dài hạn, đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh. Hoạt động khoa học - công nghệ đã có những đóng góp nhất định, nhưng nhiều đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh đã triển khai từ năm 1992 đến nay (115 đề tài, dự án) chậm được tổng kết đánh giá và nhân rộng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế về mặt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 tăng 17,1% (KH là 22-23%), bình quân giai đoạn 2001 – 2005 tăng 18,6% (KH là 19-20%), đây là mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên sản phẩm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu địa phương bấp bênh, công suất hoạt động của một số nhà máy chế biến đạt thấp do thiếu nguyên liệu. Tốc độ tăng trưởng giá trị của ngành du lịch năm 2005 là 12,8% vượt kế hoạch đề ra (11-12%), hoạt động dịch vụ du lịch đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng nhìn chung còn chậm, chưa khai thác hết tiềm năng về tài nguyên du lịch để phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch những năm qua còn ở mức thấp, nguồn nhân lực phục vụ còn yếu, thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của khách du lịch hiện nay.
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ CÓ CHUYỂN BIẾN
Cơ cấu các thành phần kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX có vai trò vị trí quan trọng đối với nền kinh tế và đối với xã hội nhưng hiệu quả hoạt động thấp, chưa được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đúng mức. Kinh tế quốc doanh đang trong quá trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp giảm dần về số lượng và từng bước tạo sự tăng trưởng về chất. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới được hình thành và đang phát triển. Sau khi chuyển đổi, thành lập mới và hoạt động theo Luật HTX, kinh tế HTX đã có những đóng góp nhất định thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Nhưng nhìn chung hiệu quả sản xuất kinh doanh của kinh tế HTX đạt thấp, phần lớn chưa có khả năng tích lũy từ nội bộ để tái đầu tư, các HTX nông nghiệp hoạt động còn yếu; các HTX nghề cá được thành lập một cách vội vàng, chủ yếu để vay vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển đóng tàu đánh bắt xa bờ mà chưa chú trọng đến công tác quản lý. Qua thẩm tra, tính đến
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Thực hiện Luật đất đai, chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý và sử dụng đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Từ nguồn lực này, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới được hình thành, góp phần đáng kể phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và kỹ thuật, bước đầu làm thay đổi diện mạo của tỉnh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo thêm việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Theo đó, tiến độ lập quy hoạch, kế họach sử dụng đất cấp huyện, cấp xã còn quá chậm và kéo dài; chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh chưa cao, việc dự báo phát triển kinh tế – xã hội chưa chính xác, quy hoạch phát triển ngành chưa ổn định. Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn phát sinh ngoài quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tỉ lệ khai thác, sử dụng đất theo kế hoạch được phê duyệt còn ở mức thấp, chỉ đạt 45,3%. Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai như: sử dụng đất sai mục đích, giao đất, cho thuê đất sai thẩm quyền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng, lấn chiếm sử dụng đất trái pháp luật vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp, công tác thanh tra, kiểm tra tuy được tăng cường nhưng kết quả xử lý sau thanh tra đạt thấp và chưa triệt để (chỉ đạt 11% số vi phạm phải thu hồi).
Các đại biểu HĐND tỉnh đang nghe Chủ tịch UBND tỉnh Đào Tấn Lộc báo cáo kết quả thực hiện KT-XH-AN-QP tỉnh trong năm 2005
Năm 2006, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả.
ĐẦU TƯ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO TĂNG TRƯỞNG CÒN CHẬM
UBND tỉnh đã có sự quan tâm xem xét tập trung chỉ đạo giải quyết khắc phục tình trạng tồn tại về biên chế ngành giáo dục và các khoản nợ lương, nợ tăng thay, nhưng đến nay vẫn còn chậm. HĐND kỳ họp thứ 4 cũng đã tập trung xem xét ra các Nghị quyết về biên chế giáo viên; điều chỉnh mức thu học phí, giải quyết được một phần khó khăn cơ bản của ngành. Tuy nhiên, qua kết quả thực hiện năm 2005, việc triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học theo quyết định 159/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn chậm. Cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị được đầu tư bằng nhiều nguồn nhưng vẫn còn gặp khó khăn, nhiều trường thiếu phòng chức năng, phòng thí nghiệm thực hành, nên không phát huy hết hiệu quả sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học theo phương pháp giảng dạy mới, khắc phục chậm. Về nhà ở cho giáo viên 3 huyện miền núi, năm 2005 nguồn được bố trí mỗi huyện được 500 triệu, nhưng trách nhiệm của UBND huyện thiếu kiểm tra đôn đốc, tiến độ triển khai xây dựng chậm. Hiện nay, tình hình đào tạo và bố trí sử dụng giáo viên chưa đồng bộ, nhiều trường thiếu giáo viên bộ môn, nhưng không tiếp nhận được giáo viên mới, nhiều giáo viên chính quy ra trường không bố trí được nhiệm sở gây lãng phí trong đào tạo và trở thành hiện tượng bức xúc cần phải được các cấp, các ngành xem xét sớm giải quyết. Năm 2006, UBND tỉnh cần chỉ đạo ngành giáo dục tăng cường thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đảm bảo việc kiểm tra, sắp xếp, điều chỉnh biên chế giáo dục để khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường phổ thông.
TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG CƠ BẢN CHẬM
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2005 đạt 2.600 tỉ đồng, tăng 17% so với năm 2004 và bằng 90% KH năm. Cơ chế chính sách về thu hút đầu tư của tỉnh từng bước phát huy hiệu quả, tạo điều kiện trong việc huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển đã có nhiều tiến bộ, đa dạng hơn. Tuy nhiên, việc chấp hành kỷ luật trong đầu tư chưa nghiêm, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện rõ rệt, tình trạng nhiều dự án trọng điểm của tỉnh thi công kéo dài, không đúng tiến độ đề ra, xét về nhiều mặt gây lãng phí không nhỏ như: Dự án cầu Đà Nông, đường Bãi Ngà – Vũng Rô, dự án chỉnh trị cửa sông Đà Nông, dự án hệ thống chống ngập lụt TP Tuy Hòa... Trong năm dù đã có bổ sung nguồn mục tiêu xây dựng cơ bản từ ngân sách Trung ương 53,9 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa bù đắp được phần vốn ngân sách cân đối địa phương hụt 90 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan vẫn là do chủ đầu tư của một số dự án trọng điểm luôn thay đổi và không xác định thời gian hoàn thành ngay từ quyết định đầu tư theo quy định; trình độ, năng lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công và tư vấn còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý chất lượng, quản lý tiến độ thi công công trình của một số chủ đầu tư còn buông lỏng, có dấu hiệu của sự lãng phí và thất thoát lớn; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư triển khai không đồng bộ, ách tắc nhiều khâu nhưng chậm xử lý…
Trên cơ sở các dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai, các dự án lớn chuẩn bị vào cuộc trong năm 2006 dự báo khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong năm 2006 có thể đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2005
Kỳ họp HĐND tỉnh khóa 5, lần thứ 5 sẽ tiếp tục làm việc trong 2 ngày tới tại hội trường để nghe báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ; báo cáo tình hình đầu tư Dự án hạ tầng đô thị Nam TP Tuy Hòa – Vũng Rô; trả lời chất vấn và giải trình. Đồng thời thông qua 11 Nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh - quốc phòng trong năm 2006.
NGUYÊN LƯU – TRẦN QUỚI