Thành lập vào năm 1997 theo Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sau khi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) ra đời năm 2006, mạng lưới trung tâm TGPL trong toàn quốc ngày càng được kiện toàn, củng cố và phát triển.
Được sự quan tâm của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, công tác TGPL ngày càng đạt được nhiều thành tích trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được hưởng TGPL miễn phí theo quy định pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác TGPL. Đó là việc tuyển dụng cán bộ ở các chi nhánh TGPL tại địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo rất khó khăn, nhất là rất hiếm trường hợp tuyển được cử nhân chính quy. Có nơi, để tuyển được người, đưa chi nhánh vào hoạt động, trung tâm TGPL phải “hạ chuẩn” là tuyển người địa phương, có trình độ trung cấp Luật nhưng đang học tại chức đại học luật. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc trung tâm, không có tư cách pháp nhân, do đó, tuy viên chức làm việc tại chi nhánh có trụ sở đóng ở địa bàn miền núi (theo quy định được hưởng phụ cấp khu vực) nhưng tiền lương và các chế độ khác lại được hưởng không khác gì so với người làm việc tại văn phòng trung tâm. Các viên chức của chi nhánh phải thường xuyên đi đến địa bàn thôn, xã thực hiện hoạt động chuyên môn, về trung tâm để tham dự các cuộc họp và thanh toán kinh phí tổ chức TGPL lưu động… Ngoài ra, cónhững cán bộ, viên chức nhà ở thành phố nhưng làm việc tại miền núi, cách nhà 40-50km hoặc xa hơn nữa nhưng phải ngày 2 lượt đi - về vì chi nhánh không có nhà công vụ, chế độ quy định không có hỗ trợ tiền thuê nhà… Mặt khác, viên chức ở trung tâm (trừ trợ giúp viên pháp lý) lại không được hưởng phụ cấp công vụ (25%) như các công chức của Sở Tư pháp. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những người làm công tác TGPL.
Tại hội nghị tập huấn văn bản pháp luật mới và góp ý dự thảo văn bản về TGPL do Cục TGPL vừa tổ chức tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đại diện các trung tâm TGPL khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng công tác TGPL trong thời gian tới. Cụ thể, do là đơn vị sự nghiệp duy nhất của Sở Tư pháp không có thu, hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước cấp nên việc làm hết sức cấp thiết và cần sớm triển khai là xây dựng chế độ, chính sách ưu đãi về thu nhập đảm bảo đời sống viên chức trung tâm, nhất là đối với viên chức đang công tác tại chi nhánh thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của những tỉnh, thành phố không thuộc khu vực miền núi, hải đảo, kết hợp với tạo điều kiện về học tập nâng cao trình độ (cử đi học sau đại học, học các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn khác) để thu hút nguồn lực cho công tác TGPL. Đồng thời, cần có cơ chế thực hiện việc điều động, luân chuyển công chức từ sở và phòng Tư pháp hoặc tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức các ngành khác có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, có thâm niên trong nghề về công tác tại trung tâm. Qua đó, có đủ nhân lực bố trí thực hiện các lĩnh vực chuyên môn, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL, nhất là nâng cao trình độ chuyên môn của trợ giúp viên pháp lý. Muốn xây dựng được đội ngũ viên chức của trung tâm, nhất là các trợ giúp viên pháp lý giỏi về chuyên môn, ngang bằng với các luật sư - đặc biệt là trong hoạt động tranh tụng tại tòa án, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo chuyên đề, có tính chuyên sâu thìCục TGPL cần xây dựng phương án giảm bớt các công việc mang tính hành chính để viên chức trung tâm có thời gian đầu tư vào công tác chuyên môn.
Theo các đại biểu được thăm dò ý kiến, để có giải pháp mang tính căn cơ thì cần tổ chức điều tra, nghiên cứu một cách bài bản, kỹ lưỡng trên tất cả các phương diện, thực hiện rộng khắp trong toàn quốc. Tuy vậy, trước mắt nếu sớm triển khai áp dụng vào thực tiễn những đề xuất trên sẽ tạo được “đòn bẩy”, ngăn chặn được sự biến động nhân sự của các trung tâm, tạo cho viên chức trung tâm tâm lý an tâm công tác, gắn bó lâu dài với hoạt động TGPL, đầu tư thời gian, sức lực và trí tuệ vào chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
ĐẶNG HỮU
(Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp)