Dù nhiều lần bị kết án, nhưng tài sản mà bị cáo Trần Văn Hoàng (SN 1970, trú phường 2, TP Tuy Hòa) chiếm đoạt đều có giá trị dưới 2 triệu đồng nên các bản án này đương nhiên được xóa án tích. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự (BLHS) thì hành vi trộm cắp mô tô trị giá 4 triệu đồng của bị cáo Hoàng không được coi là phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Vì vậy, Viện KSND TP Tuy Hòa đã kháng nghị Bản án số 34/2013/HSST ngày 25/3/2013 của TAND TP Tuy Hòa, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm theo hướng xử phạt bị cáo Hoàng về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS.
Minh họa: N.LÊ
Theo hồ sơ vụ án, vào lúc 10g30 ngày 12/2/2012, Trần Văn Hoàng đi bộ đến nhà số 66 Nguyễn Đình Chiểu, phường 7 (TP Tuy Hòa) trộm cắp một mô tô trị giá 4 triệu đồng của chị Võ Thị Tôn Truyền. Ngày 29/1/2013, Viện KSND TP Tuy Hòa đã truy tố Trần Văn Hoàng về tội trộm cắp tài sản, quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS.
Ngày 25/3/2013, TAND TP Tuy Hòa đưa bị cáo Trần Văn Hoàng ra xét xử sơ thẩm. Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Hoàng đã bị tòa án xét xử về hành vi chiếm đoạt tài sản với tình tiết định khung tái phạm nguy hiểm, chưa được xóa án tích nên không thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại điểm e khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội. Do đó, bị cáo tiếp tục phạm tội là thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Trong khi đó, cáo trạng của Viện KSND TP Tuy Hòa truy tố bị cáo Trần Văn Hoàng về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS là không chính xác. Điểm 2.1, tiểu mục 2, mục 2 Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5/11/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định “Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện Kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật, có nghĩa là với những hành vi mà Viện Kiểm sát truy tố, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc theo khoản nhẹ hơn so với khoản mà Viện Kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật”. Do đó, TAND TP Tuy Hòa không trả hồ sơ điều tra bổ sung mà xét xử hành vi phạm tội của bị cáo Hoàng theo điểm c, khoản 2, Điều 138 BLHS.
Bên cạnh đó, Tòa án xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự tại địa phương. Về nhân thân, bị cáo đã chấp hành hình phạt tù nhiều năm, nhưng sau đó không chịu tu dưỡng để làm công dân có ích cho xã hội mà tiếp tục phạm tội. Do đó, cần xử phạt bị cáo mức án nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do bị cáo gây ra mới đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung. Từ đó, TAND TP Tuy Hòa đã tuyên Bản án số 34/2013/HSST áp dụng điểm c khoản 2 Điều 138 BLHS xử phạt bị cáo Trần Văn Hoàng 2 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Qua nghiên cứu bản án của TAND TP Tuy Hòa xét xử đối với bị cáo Trần Văn Hoàng, Viện KSND TP Tuy Hòa cho rằng: Bị cáo Hoàng đã nhiều lần bị xét xử và bị phạt tù, cụ thể: Ngày 14/3/1994, bị TAND TX Tuy Hòa (nay là TAND TP Tuy Hòa) xử phạt 24 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tiếp đó, ngày 11/6/1997 Hoàng tiếp tục bị tòa này xử 9 tháng tù cùng về tội danh nói trên. Đến ngày 15/12/1998, bị cáo lại bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 5 năm tù về hai tội trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến tháng 6/2003, Hoàng đã thi hành án xong, nhưng đến ngày 11/3/2005, Hoàng lại bị TAND TP Tuy Hòa xử phạt 5 năm tù về tội trộm cắp tài sản và thi hành án xong ngày 5/4/2009. Thế nhưng, đến ngày 17/9/2010, Hoàng lại bị TAND huyện Tuy An xử 15 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trong tất cả các lần bị kết án nói trên, tài sản mà bị cáo chiếm đoạt đều dưới 2 triệu đồng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, gồm có:
...c) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp có yếu tố định tội khác:
c.1. Hành vi quy định tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 278 và 280 của Bộ luật Hình sự mà tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng;
…d) Trong trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản này, nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
e) Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, hoặc phần hình phạt còn lại quy định tại điểm đ khoản này thì đương nhiên được xóa án tích”.
Như vậy, mặc dù đã nhiều lần bị kết án nhưng tài sản mà bị cáo Hoàng chiếm đoạt đều có giá trị dưới 2 triệu đồng nên các bản án này đương nhiên được xóa án tích. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 49 BLHS, thì hành vi trộm cắp mô tô trị giá 4 triệu đồng của bị cáo Hoàng không được coi là phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm. Vì vậy, Viện KSND TP Tuy Hòa đã kháng nghị Bản án số 34/2013/HSST ngày 25/3/2013 của TAND TP Tuy Hòa, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm theo hướng xử phạt bị cáo Trần Văn Hoàng về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS.
Vừa qua, TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP Tuy Hòa xử phạt bị cáo Trần Văn Hoàng về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự với mức án 2 năm tù.
VIỆT HÀ