TAND huyện Đông Hòa vừa xét xử sơ thẩm lần hai, tuyên phạt Nguyễn Văn Tuấn (SN 1986, trú thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa) 3 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Vụ án này gây chú ý ở chỗ trong lần xét xử sơ thẩm đầu tiên hồi tháng 7/2012, chính tòa này đã tuyên bị cáo Tuấn vô tội, nhưng sau đó bị cấp phúc thẩm hủy án xử lại, tòa lại tuyên bị cáo có tội nên phải lãnh án tù…
Quang cảnh phiên xử bị cáo Tuấn - Ảnh: V.TÀI
LẦN ĐẦU XỬ, TÒA TUYÊN VÔ TỘI
Theo hồ sơ, khoảng 18g30 ngày 28/12/2009, sau khi uống rượu, Nguyễn Văn Tuấn không có giấy phép lái xe theo quy định, đã điều khiển mô tô đến cây xăng Thọ Lâm đổ xăng. Sau đó, Tuấn chạy xe lưu hành trên đường liên xã theo hướng nam - bắc, đi trên phần đường của xe ngược chiều. Đi được khoảng 50m, Tuấn cho xe chuyển hướng sang bên phải theo hướng lưu hành nhưng không có tín hiệu báo rẽ. Lúc này, anh Phan Văn Dàn điều khiển mô tô chở anh Dương Bình Nhân chạy theo hướng ngược chiều đi đến. Hai xe tông nhau. Hậu quả, anh Dàn bị thương tích 66%, anh Nhân bị thương tích 43%. Riêng Tuấn cũng bị thương tích 62%. Sau đó, Nguyễn Văn Tuấn bị khởi tố và bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Ngày 30/7/2012, TAND huyện Đông Hòa đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa này, Viện KSND huyện Đông Hòa đại diện quyền công tố tại tòa đề nghị xử phạt bị cáo Tuấn từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử TAND huyện Đông Hòa lại cho rằng: “Bị cáo Nguyễn Văn Tuấn tuy có hành vi điều khiển mô tô lưu hành không đúng phần đường là vi phạm quy tắc chung của Luật Giao thông đường bộ nhưng hành vi của Tuấn không gây hậu quả thiệt hại nên chưa đủ yếu tố cơ bản để cấu thành tội phạm theo Điều 202, Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, việc gây ra tai nạn, làm thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác là do hành vi của Phan Văn Dàn đã trực tiếp điều khiển mô tô không có giấy phép lái xe, chạy nhanh trên đường liên xã tại khu vực đông dân cư, thiếu quan sát khi tham gia giao thông, không làm chủ tốc độ, xử lý không kịp thời, chạy tới tông vào xe bị cáo làm bị cáo bị thương tích 62%”. Vì vậy, lỗi chính trong vụ án thuộc về Phan Văn Dàn. Do đó, dựa trên cơ sở này, TAND huyện Đông Hòa đã tuyên bị cáo Nguyễn Văn Tuấn không phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Sau phiên xử sơ thẩm, Viện KSND huyện Đông Hòa đã kháng nghị đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử theo thủ tục phúc thẩm, hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo Nguyễn Văn Tuấn phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại các điểm a, đ khoản 2, Điều 202 Bộ luật Hình sự. Hai người bị hại là Phan Văn Dàn và Dương Bình Nhân cũng kháng cáo toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa.
HỦY ÁN, XỬ LẠI THÀNH CÓ TỘI
Sau khi nhận đơn kháng nghị và kháng cáo, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên phúc thẩm. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Tuấn thừa nhận đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cụ thể là không có giấy phép lái xe, điều khiển xe đi không đúng phần đường, khi qua đường không bật đèn tín hiệu xin đường. Tuy nhiên, Tuấn vẫn cho rằng nguyên nhân chính của vụ tai nạn là do nạn nhân đã chạy xe nhanh. Dù vậy, tòa phúc thẩm nhận định đủ cơ sở kết luận Tuấn đã vi phạm khoản 9 Điều 8, khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 15 (Luật Giao thông đường bộ) gây hậu quả nghiêm trọng, đã đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tòa sơ thẩm chỉ xác định bị cáo vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ là chưa đánh giá đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo. Việc tuyên bị cáo không phạm tội là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật của TAND huyện Đông Hòa. Từ đó, tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND huyện Đông Hòa, hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo Nguyễn Văn Tuấn phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Mới đây, TAND huyện Đông Hòa đã xử lại sơ thẩm lần hai. Ở phiên xử này, hội đồng xét xử nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Tuấn là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo biết rõ để được điều khiển mô tô trên 50cm3 phải có giấy phép lái xe nhưng vẫn bất chấp, tham gia giao thông khi chưa có giấy phép lái xe theo quy định, khi điều khiển xe đã đi trái chiều đi của mình, khi cho xe chuyển hướng thì không có tín hiệu báo rẽ là những nguyên nhân gây ra tai nạn. Sau khi phạm tội, bị cáo còn kêu oan, đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm, không chịu bồi thường là thể hiện sự coi thường pháp luật, xem thường sức khỏe của người khác nên cần phải xử lý nghiêm. Từ đó, TAND huyện Đông Hòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuấn 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và buộc Tuấn bồi thường cho hai nạn nhân hơn 44 triệu đồng.
Qua vụ việc này cho thấy việc áp dụng pháp luật ở một số nơi còn tùy nghi khiến dư luận hết sức bất bình. Do đó, sự phối hợp liên tịch giữa các ngành Công an, Viện KSND, TAND cần phải đồng bộ và chặt chẽ hơn để áp dụng pháp luật đúng người, đúng tội, tránh oan sai hay bỏ lọt tội phạm.
LỆ VĂN - VIỆT HÀ