Thứ Ba, 26/11/2024 03:42 SA
Để trợ giúp viên pháp lý phát huy tốt vai trò tố tụng
Thứ Bảy, 13/04/2013 08:27 SA

Sau khi được bổ nhiệm, trợ giúp viên pháp lý sẽ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó có hình thức trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Ngoài ra, trợ giúp viên pháp lý còn bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính…

 

Những quy định về vị trí pháp lý, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của trợ giúp viên pháp lý trong chế định Luật Trợ giúp pháp lý sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để trợ giúp viên pháp lý phát huy tốt vai trò của mình. Cùng với đó Luật Tố tụng hành chính năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2011 đã có những quy định về địa vị pháp lý của trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của trợ giúp viên trong các hoạt động tố tụng bảo vệ người nghèo và các đối tượng chính sách.

 

Trong thực tiễn, số lượng trợ giúp viên pháp lý toàn quốc đang phát triển mạnh mẽ (tổng số lượng đến thời điểm hiện tại hơn 300 người). Đa phần đều có năng lực, giàu lòng tâm huyết với nghề nghiệp, thường kỳ được học tập các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do các cơ quan, ban ngành, tổ chức để hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều trợ giúp viên pháp lý đã chủ động, mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm hành nghề tố tụng của các luật sư, trực tiếp tham gia vào nhiều vụ việc tranh tụng đạt kết quả tốt. Nhờ vậy, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý.

 

Tuy nhiên, hiện nay một khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các trợ giúp viên pháp lý, đó là tuy có năng lực, trình độ song kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn hành nghề chưa nhiều, lại thường xuyên có sự biến động về nhân sự. Nhiều cơ quan, ban ngành, trong đó có cả một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa biết đến nhiều về chức danh trợ giúp viên pháp lý và vai trò của họ trong quá trình tố tụng, chế độ chi trả thù lao theo vụ việc cho các trợ giúp viên pháp lý còn thấp, chưa có sức thu hút, động viên kịp thời. Ngoài ra, còn phải kể đến năng lực hoạt động của một số hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở các tỉnh. Với vai trò tạo lập, điều hành, kiểm tra, giám sát các mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, những người thực hiện với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng theo Thông tư liên tịch 10 của hội đồng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vì vậy, hiện nay ở nhiều tỉnh, thành, số vụ việc trợ giúp pháp lý do các luật sư - cộng tác viên đảm nhận còn cao (chiếm từ 60-70%), một số vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện chất lượng, hiệu quả chưa cao.

 

Để các trợ giúp viên pháp lý trong toàn quốc tăng cường, phát huy tốt vai trò hoạt động của mình, đảm bảo vị trí quan trọng trong quá trình tố tụng bảo vệ quyền lợi cho người nghèo và đối tượng chính sách thì cần phải có những giải pháp cả về trước mắt và lâu dài để giải quyết thực trạng vấn đề đặt ra. Cụ thể là:

 

- Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật quy định định mức chi trả thù lao theo vụ việc cho các trợ giúp viên pháp lý theo hướng tăng lên, đáp ứng được nhu cầu, điều kiện thực tế hiện nay. Thường kỳ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt là về kỹ năng hành nghề trong quá trình tố tụng kết hợp với việc thực hành mẫu theo như các phiên tòa xét xử để vừa nâng cao trình độ kết hợp với việc bổ sung kinh nghiệm tố tụng thực tiễn cho các trợ giúp viên pháp lý.

 

- UBND các tỉnh, thành phố nên tổ chức kiện toàn, sắp xếp lại Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo hướng bổ sung diện thành viên ở cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện vào hội đồng; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động và thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ phối hợp.

 

- Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cần đánh giá đúng năng lực, sở trường của các trợ giúp viên pháp lý để bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ này theo hướng chuyên trách ở từng lĩnh vực pháp luật. Trong đó, mỗi một lĩnh vực tố tụng cần xây dựng và duy trì từ 1 đến 2 trợ giúp viên chuyên trách, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với các trợ giúp viên pháp lý giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề nghiệp.

 

- Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng các cấp cần nghiêm túc tổ chức phối hợp có hiệu quả với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện theo các nội dung đã được quy định tại Thông tư liên tịch 10, kịp thời thông tin, giới thiệu những người thuộc diện trợ giúp pháp lý đến trung tâm hoặc các chi nhánh trợ giúp pháp lý trực thuộc để được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí. Mặt khác cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng đạt kết quả.

 

- Các trợ giúp viên pháp lý cần tích cực học tập kinh nghiệm thực tiễn tố tụng từ các luật sư giàu chuyên môn, kinh nghiệm, thường xuyên trau dồi các kiến thức lý luận. Trước mắt, có thể tham gia hỗ trợ cho các luật sư trong quá trình tố tụng, sau đó dần chuyển sang làm việc theo hướng độc lập, chuyên trách…

 

ĐOÀN HỮU VĂN

(Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek