Đối với đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng sâu, vùng xa, phần lớn trong số họ nhận thức pháp luật chưa cao. Do đó, nhiệm vụ tuyên truyền kiến thức pháp luật cho đối tượng này là hết sức cần thiết nhưng cũng rất khó khăn. Làm gì để giải quyết tình trạng này?
Thông thường, hàng ngày, bà con đi làm rẫy và đến khi trời tối mới về đến nhà. Do vậy, việc gặp mặt người dân đã khó huống chi là tổ chức tuyên truyền. Tuy nhiên, có một điều mà ít ai để ý, đó là, đa số người dân đều dậy từ rất sớm để chuẩn bị đi làm. Đây là khoảng thời gian mà người dân có thể tiếp thu các nội dung tuyên truyền pháp luật thông qua loa truyền thanh cơ sở.
Công tác tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở hiện nay còn nhiều hạn chế về thời lượng phát sóng, chưa đáp
ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; đối với địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau cùng sinh sống thì việc tuyên truyền pháp luật qua loa truyền thanh ở cơ sở lại càng khó khăn hơn, vì cần phải sử dụng ngôn ngữ của đồng bào địa phương nên cần phải dịch ra tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó không đủ thời gian cũng như nguồn nhân lực để thực hiện, đồng thời cũng phải cân đối phát sóng nhiều chương trình khác. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ phát thanh ở cơ sở còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở địa bàn miền núi. Nhiều xã chỉ có một cán bộ phụ trách truyền thanh với nhiệm vụ là đọc bản tin của xã, thường thì sau đó chuyển qua tiếp sóng các đài phát thanh khác, chứ chưa chú trọng đến phát sóng nội dung tuyên truyền pháp luật.
Để đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở có hiệu quả, cần tập trung vào những giải pháp như: Biên soạn các tài liệu tuyên truyền theo hình thức hỏi, đáp pháp luật, tình huống pháp lý, các văn bản chính sách liên quan trực tiếp đến người dân... và dịch ra tiếng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Thời điểm tuyên truyền phù hợp qua loa phát vào sáng sớm hoặc buổi tối (tối thiểu 3 lần/ tuần). Hàng tuần, cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã có trách nhiệm biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên, căn cứ vào số lượng, thành phần dân tộc tại địa phương mà phiên dịch tài liệu tuyên truyền thành nhiều thứ tiếng để phát sóng. Muốn thực hiện được nhiệm vụ và yêu cầu này, rất cần đến nguồn kinh phí đáng kể. Do vậy, các địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí đúng mức cũng như nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
ĐỖ VĂN NHÂN