Theo Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2012, khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người đại diện phải là người khiếu nại.
Ảnh minh họa |
Việc cử đại điện được thực hiện như sau: Trường hợp có từ 5-10 người khiếu nại thì cử 1 hoặc 2 người đại diện; trường hợp có từ 10 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người. Việc cử người đại diện để trình bày khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.
Khi phát sinh việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung ở xã, phường, thị trấn, chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phân công cán bộ tiếp đại diện của những người khiếu nại để nghe trình bày nội dung khiếu nại. Trường hợp phức tạp, chủ tịch UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tiếp, nghe đại diện của những người khiếu nại trình bày nội dung khiếu nại. Chủ tịch UBND cấp xã thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật khiếu nại thuộc thẩm quyền. Nếu khiếu nại không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Quy định về nội dung này trong nghị định nêu rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Chinhphu.vn