Chủ Nhật, 06/10/2024 07:37 SA
Cải cách hoạt động tư pháp:
Chuyển biến tích cực, nhưng còn những tồn tại
Thứ Sáu, 17/08/2012 11:00 SA

Qua gần 7 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Phú Yên đã có những bước chuyển biến rõ rệt về nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Tuy vậy, từ thực tế hoạt động này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần khắc phục trong thời gian đến.

 

cai-canh120817.jpg

Xét xử lưu động góp phần tuyên truyền pháp luật. Trong ảnh: Vụ xử lưu động bị cáo Lê Tuấn tại xã Hòa Tân Tây (Tây Hòa) - Ảnh: V.TÀI

CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU

 

TAND tỉnh Phú Yên là một trong những đơn vị ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên sớm hoàn thành việc giao tăng thẩm quyền xét xử các loại án dân sự, hình sự cho tòa án cấp huyện. “Đây là tiền đề cho việc tiến tới thành lập tòa sơ thẩm khu vực theo lộ trình cải cách tư pháp đã đề ra”, ông Lê Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh cho biết.

 

Theo đó, ngành Tòa án đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng các phiên xét xử. Ngành Tòa án không chỉ phấn đấu giảm oan sai, án bị hủy sửa, không bỏ lọt tội phạm, không để án quá hạn luật định, đảm bảo 100% bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành... mà hoạt động tranh tụng tại tòa còn được mở rộng hơn trước. Việc đảm bảo quyền được bào chữa, tranh luận của các bị cáo vị thành niên, người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện đầy đủ. Công tác đánh giá chứng cứ, vật chứng tại phiên tòa cũng được chú trọng. Tính đến nay, toàn ngành đã thụ lý 2.011 vụ án các loại; giải quyết 1.092 vụ án, đạt tỉ lệ 54%. Cùng với TAND tỉnh, TAND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh việc giải quyết các loại án theo đúng tiến độ, đạt tỉ lệ theo yêu cầu và đúng thời hạn luật định. Trong đó, TAND TX Sông Cầu có tỉ lệ giải quyết án đạt 70,2%, TAND huyện Đồng Xuân đạt 70%, TAND Phú Hòa đạt 63,1%... Các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, không có án oan sai. Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, ngành Tòa án luôn bám sát yêu cầu về nhiệm vụ chính trị, đường lối của Đảng, áp dụng đúng các quy định của pháp luật để giải quyết và luôn chú trọng chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động cũng được ngành Tòa án giải quyết theo đúng thủ tục, tôn trọng sự thỏa thuận đúng pháp luật của các đương sự, góp phần tạo nhiều chuyển biến tích cực trong tiến trình cải cách tư pháp.

 

Không chỉ ngành Tòa án, ngành công an cũng đã sắp xếp tổ chức, nhân sự để nâng cao công tác điều tra, khởi tố vụ án và bị can. Việc bắt giữ, điều tra cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, những bị can ở độ tuổi vị thành niên đều được đảm bảo lấy lời khai có sự chứng kiến của người đại diện hoặc luật sư ngay từ đầu.

 

Ngành Kiểm sát nằm ở khâu giữa quá trình tố tụng hình sự. Thời gian qua, ngành này đã chú trọng hơn trong nâng cao chất lượng luận tội, tranh tụng tại tòa và nâng cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra. Các kiểm sát viên đã thận trọng hơn trong xem xét chứng cứ, tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp, bảo đảm việc phê chuẩn và không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra có căn cứ và đúng luật. Công tác thực hành quyền công tố của Viện KSND hai cấp trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án hình sự đã có nhiều chuyển biến, góp phần đảm bảo hoạt động điều tra đúng pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật.

 

NHỮNG TỒN TẠI CẦN KHẮC PHỤC

 

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, hoạt động xét xử trong cải cách tư pháp ở một số phiên tòa chưa mang tính đột phá như mục đích đề ra là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách chưa toàn diện, khâu tranh tụng tại phiên xét xử chưa có chuyển biến nhiều; việc xét hỏi, tranh tụng vẫn mang nặng “tính truyền thống”.

 

Theo quy định, trách nhiệm của chủ tọa là phải điều hành phiên tòa đảm bảo tranh tụng thực sự, bên cạnh đó còn phải thẩm tra các chứng cứ có trong hồ sơ. Tuy nhiên, hiện nay trình tự diễn biến phiên tòa vẫn là tòa hỏi trước, sau đó mới đến công tố viên và luật sư, vì thế đã tạo nên quy trình ngược trong tố tụng.

 

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đề ra tranh trụng tại tòa phải đảm bảo dân chủ, bình đẳng và bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng nên vai trò của viện kiểm sát và luật sư là rất quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng tranh tụng của không ít kiểm sát viên tại tòa nhìn chung chưa cao, nhiều trường hợp còn lúng túng, bị động trong thẩm vấn, tranh luận; việc luật sư tham gia hoạt động tố tụng chưa được quan tâm, tạo điều kiện đúng mức. Theo luật sư Nguyễn Hương Quê (Văn phòng Luật sư Phúc Luật), tại nhiều phiên tòa, một số người tiến hành tố tụng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án. Thậm chí, vẫn còn trường hợp cơ quan điều tra gây khó khăn, cản trở công việc của luật sư. Chẳng hạn, yêu cầu luật sư xuất trình rất nhiều giấy tờ, gây phiền hà trong việc in sao tài liệu liên quan hoặc gặp người bị giam giữ, bị can, bị cáo. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng hầu như “quên” các quyền của luật sư nên ít khi thông báo về lịch hỏi cung bị can, bị cáo và lịch xét xử hay gửi các kết luận điều tra, cáo trạng cho luật sư. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng cần phải khắc phục.

 

Theo ông Trần Công Hoan, Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh, việc tranh tụng tại tòa còn bị động, án dân sự còn hủy, sửa nhiều. Chất lượng truy tố và công tố tại tòa của cơ quan kiểm sát vẫn còn bất cập, như có tình trạng kiểm sát viên đề nghị mức án thấp hơn quy định của pháp luật, không tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Một số kiểm sát viên do chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, các tình tiết của vụ việc nên khi tranh tụng còn bị động, lúng túng, không sâu, không thuyết phục. Chất lượng giải quyết án dân sự của ngành Tòa án chưa cao, thể hiện qua việc các bản án bị tòa cấp phúc thẩm hủy, sửa khá nhiều và số lượng án bị kháng cáo, kháng nghị vẫn còn cao. Đặc biệt, không ít vụ án dân sự do tòa án cấp huyện xét xử để xảy ra tình trạng vi phạm tố tụng, áp dụng không đúng pháp luật khi tuyên án…

 

LỆ VĂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek