Từ khi Luật Đất đai ra đời đến nay, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như các tranh chấp về đất đai đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác quản lý đất đai của tỉnh.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai - Ảnh: V.TÀI
ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI HỢP PHÁP CỦA DÂN
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2003 đến nay, các sở, ban, ngành liên quan ở Phú Yên đã tiếp nhận 226 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Nội dung khiếu nại tập trung vào việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tiếp nhận 57 đơn khiếu nại về hành vi lấn chiếm đất, 44 khiếu nại, tranh chấp về đất hương hỏa, đất từ đường và tranh chấp đất giữa các cá nhân… Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, các sở, ban, ngành, địa phương có đơn khiếu nại đã chú trọng đến công tác giải quyết đơn của công dân theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Kết quả đã có 100% đơn khiếu nại, tố cáo được giải quyết.
Không những vậy, thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, các cơ quan quản lý nhà nước đã tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật liên quan cho người dân hiểu để thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình. Vì vậy, hầu hết công dân có đơn khiếu nại, tố cáo đều chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại về đất đai theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người có tính chất phức tạp, kéo dài ở các địa phương cũng đã được giải quyết dứt điểm do đã vận dụng chính sách, pháp luật, nhất là xem xét tính hợp lý của các quyết định hành chính bị khiếu nại. Như vụ tranh chấp quyền sử dụng đất có nguồn gốc do ông bà để lại giữa ông Nguyễn Các và ông Lê Đạo ở TX Sông Cầu kéo dài từ năm 2002 đến năm 2011. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích và vận dụng đúng các quy định của chính sách và pháp luật về đất đai, đến nay, UBND TX Sông Cầu đã giải quyết dứt điểm, đúng trình tự, quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho ông Các và ông Đạo.
Hay như trường hợp 15 hộ dân ở xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) khiếu nại về việc áp giá đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện dự án sử dụng nước sau Nhà máy Thủy điện Sông Hinh. Sau khi tiếp nhận đơn, UBND huyện Tây Hòa đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức đối thoại với các hộ dân đứng đơn, giải thích cụ thể từng vấn đề để người khiếu nại nghe, hiểu và thống nhất. Kết quả, có 9/15 hộ tự nguyện rút đơn khiếu nại, các hộ còn lại sau khi UBND huyện đưa ra những giải pháp tháo gỡ đã đồng ý chờ thực hiện theo những giải pháp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh mới đây, ông Huỳnh Văn Tuyển, Chánh Thanh tra tỉnh cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực là do các địa phương, các sở, ban ngành đã xem công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, việc kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai nói riêng đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác quản lý đất đai của tỉnh. Chính kết quả giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đã góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.
NHỮNG VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là, thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính và tòa án chưa rõ ràng nên nhiều trường hợp người dân phải đi lại nhiều lần giữa cơ quan tố tụng và cơ quan hành chính, nhưng vẫn không được tiếp nhận để giải quyết. Bên cạnh đó, việc thừa kế bằng quyền sử dụng đất rất phức tạp, nhất là trường hợp con ở với cha mẹ, đất ở đã được cân đối cấp cho hộ gia đình theo Nghị định 64/CP, nhưng lại không cấp đất cho người con ở với cha mẹ. Do đó, khi có tranh chấp chia di sản bằng quyền sử dụng đất thì quyền lợi hợp pháp về đất ở của người con ở chung với cha mẹ đương nhiên bị thiệt thòi hơn so với các thừa kế khác do chính sách cấp quyền sử dụng đất của Nghị định 64/CP chưa hợp lý. Trong khi đó, các địa phương trong tỉnh triển khai không thống nhất nên dẫn đến tranh chấp. Mặt khác, Luật Khiếu nại, tố cáo quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính và hành vi hành chính cho tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý hành chính. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai năm 2003, các khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai được giải quyết theo một cơ chế riêng, không theo trình tự được quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo. Do đó, các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại về đất đai trong Luật Đất đai không còn phù hợp, cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất, để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai ngày càng đi vào nề nếp, trong thời gian đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác vận động, thuyết phục, hòa giải các sự việc tranh chấp, khiếu nại ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát, điều chỉnh các quy định về thủ tục để thực hiện tốt hơn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, các chính sách liên quan về đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đến mọi tầng lớp nhân dân…; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
VĂN TÀI