Cách TP Tuy Hòa về phía tây bắc hơn 70km là một thung lũng nhỏ nằm giữa những dãy núi ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Nơi ấy hơn 35 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ (CBCS) Trại giam Xuân Phước (Bộ Công an) kiên cường vượt qua nhiều khó khăn, thử thách gieo mầm thiện bằng tình người, để hàng chục ngàn đối tượng lầm lỗi sớm hoàn lương hướng thiện.
Dạy nghề may cho phạm nhân ở Trại giam Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: H.TOÀN
VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Hơn 38 năm công tác trong ngành Công an, đại tá Phạm Xuân Thủy, Giám thị Trại giam Xuân Phước đã có 35 năm gắn bó với nơi này. Sau vẻ trầm tư và ánh mắt kiên nghị của đại tá Thủy là nhiều nỗi trăn trở về đời sống, công việc của hàng trăm CBCS và công tác quản lý giáo dục gần 900 phạm nhân. Tiếp xúc với ông, tôi mới hình dung được khó khăn những năm đầu mới hình thành Trại giam Xuân Phước. Mùa nắng đất đai khô cằn, mùa mưa dai dẳng, lũ từ thượng nguồn đổ xuống sông Trà Bương, giao thông bị chia cắt. Có thời điểm hơn 40% CBCS bị sốt rét rừng hành hạ, trong khi đường độc đạo về phố huyện gập ghềnh, lầy lội, phải khiêng võng đưa người bệnh đến bệnh viện nên 9 CBCS đã ra đi. Phạm nhân và cán bộ đều ở trong những dãy nhà tranh, vách đất. Một tuần có thư báo một lần, mùa mưa thì có khi đến nửa tháng thư mới đến. Ngoài radio của vài cá nhân, đơn vị chỉ có một ti vi đen trắng, lính trẻ hì hục lên đồi dựng ăng ten, chỉnh sửa nhưng hình ảnh vẫn nhòe. Quân số mỏng, địa hình phức tạp, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống sinh hoạt cực kỳ khó khăn, nhưng ngay từ đầu trại phải tiếp nhận 1.310 phạm nhân từ tàu Thương Tín, vốn là những tình báo viên, cảnh sát, sĩ quan, binh lính chế độ cũ. Sau đó, trại phải tiếp nhận không ít phạm nhân là sĩ quan cấp tá, tỉnh trưởng, quận trưởng, đối tượng phản động và tội phạm hình sự đặc biệt nguy hiểm. Những năm 1978-1980, có phạm nhân cấu kết chống đối, gây rối, trốn trại… Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, CBCS Trại Xuân Phước đã đấu tranh ngăn chặn hiệu quả mọi hành vi phạm pháp.
Thời điểm đó, phạm nhân đến Trại Xuân Phước đều có mức án từ 10 năm đến chung thân, nhưng nhờ chủ động làm tốt công tác trinh sát, nên đơn vị triển khai hiệu quả hoạt động quản lý giáo dục, sản xuất nông nghiệp, đào đắp kênh mương, từng bước mở rộng hàng trăm héc ta lúa, mía, bắp, sắn và rừng phòng hộ kết hợp chăn nuôi, góp phần cải thiện bữa ăn cho CBCS và phạm nhân. Các đội sản xuất gạch ngói, nề, mộc dân dụng, mỹ nghệ, khai thác, tre… được hình thành cung cấp vật liệu, xây dựng cơ sở. Mới đây, khi đến thăm và làm việc tại Trại giam Xuân Phước, trung tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an biểu dương những nỗ lực tích cực của CBCS trong công tác quản lý giáo dục phạm nhân, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
GIEO MẦM THIỆN BẰNG TÌNH NGƯỜI
Để phạm nhân cảm phục, bên cạnh công tác giáo dục chính trị, pháp luật, cán bộ quản giáo luôn chú trọng nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu gia cảnh, tâm lý, trình độ học vấn… từng đối tượng để chủ động cảm hóa, phân công lao động. Đại tá Thủy cho biết: “Dù bị cách ly khỏi cộng đồng, nhưng phạm nhân được cập nhật thông tin kinh tế, xã hội và pháp luật qua các buổi sinh hoạt, nghe đài, xem ti vi, đọc báo. Ngày nghỉ họ được xem phim khoa giáo, tham gia hoạt động văn nghệ thể thao, mỗi phân trại đều có đội văn nghệ, bóng chuyền, bóng đá để thi đấu giao lưu trong ngày lễ, tết. Đặc biệt, trại tổ chức những lớp học xóa mù chữ giúp nhiều phạm nhân biết đọc và viết thư gửi về gia đình. Chế độ tự quản tại bếp ăn luôn thực thi nghiêm túc, ngoài việc nhận đủ khẩu phần theo luật định, bữa ăn phạm nhân còn có thêm thịt, cá, rau xanh từ việc sản xuất chăn nuôi tại chỗ. Nhiều năm qua không xảy ra tình trạng bệnh nhân suy kiệt sức khỏe, trật tự kỷ luật đảm bảo ổn định”. Để mầm thiện lớn dần trong mỗi phạm nhân, cán bộ quản giáo luôn ứng xử bằng tình người, nên nhiều kẻ “cứng đầu” đến đây đều được cảm hóa. Phạm nhân Trương Trọng Tuyến, 49 tuổi - một tay anh chị ở đất cảng Hải Phòng từng ba lần vào tù. Cuối năm 1989, y tiếp tục lãnh án chung thân về tội giết người, cướp tài sản. 8 năm ở Trại giam Thanh Lâm (tỉnh Thanh Hóa) Tuyến gây sự đánh nhau, đục tường trốn trại nên tiếp tục hầu tòa và chuyển vào Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam). Tại đây, Tuyến thường xuyên bị kỷ luật, nên giữa năm 2004 chuyển vào Trại giam Xuân Phước. Bằng trải nghiệm hơn 30 năm trong nghề, trung tá Trần Xuân Thiều cảm hóa Tuyến thành một lao động giỏi, chấp hành tốt nội quy kỷ luật được giảm án hai lần nên thời hạn tù của Tuyến còn lại 19 năm. Nguyễn Trần Lam, biệt danh Lam “sát thủ”, 46 tuổi, trú phường 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh bị xử phạt 18 năm tù về tội cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích, trong đó có vụ Lam cùng đàn em “trùm” Năm Cam gây án. Khi mới vào trại, Lam thường gây sự với người khác, nhưng trước sự kiên trì, thái độ mềm dẻo của cán bộ quản giáo, Lam chuyển đổi tích cực nên được giảm án 40 tháng. Còn thụ án 2 năm, Lam háo hức tâm sự: “Tôi đã đánh mất thời trai trẻ chỉ vì hiếu thắng. Được giáo dục tận tâm bằng tình người, tôi thật sự hối tiếc nên phải tích cực cải tạo”.
Để vận dụng tình người hiệu quả trong quản lý giáo dục phạm nhân, những năm qua CBCS Trại giam Xuân Phước chú trọng học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND gắn kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa - Vì nhân dân phục vụ” và phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”… Điều đáng ghi nhận là công việc nơi trạm giam miền sơn cước còn nhiều khó khăn nhưng tại đây có nhiều gia đình hai thế hệ công an. Những thế hệ tiếp tục mang tình người để gieo mầm thiện.
PHAN THẾ HỮU TOÀN