Hiện nay, đến nhiều địa phương trong tỉnh Phú Yên, từ phố thị cho đến các làng quê, đâu đâu người ta cũng gặp dịch vụ cầm đồ. Không ít dịch vụ đã tiếp tay cho những kẻ bất lương, lưu manh trộm cắp, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Bị cáo Nguyễn Minh Nghiệp (SN 1985, trú ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) chuyên đi hỏi mượn mô tô của người khác rồi đi thế chấp ở tiệm cầm đồ lấy tiền ăn nhậu - Ảnh: V.TÀI
Trong một vụ án gần đây, bị cáo Lê Tuấn Anh (SN 1994, trú phường 6, TP Tuy Hòa) cùng với đồng bọn bị TAND TP Tuy Hòa đưa ra xét xử về tội trộm cắp tài sản. Mới 17 tuổi nhưng bị cáo này đã cùng đồng bọn thực hiện trót lọt 12 vụ trộm, với tổng giá trị gần 90 triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Điều đáng nói là toàn bộ tài sản mà chúng trộm cắp được hầu hết đều đem đi cầm cố tại các “dịch vụ cầm đồ” (tiệm cầm đồ) trên địa bàn TP Tuy Hòa. Điều đáng nói là khi bị bắt, Tuấn và đồng bọn đều thú nhận việc cầm cố máy tính, thanh ram máy tính, điện thoại di động… để lấy tiền ở các tiệm cầm đồ quá dễ dàng. Chính nhờ có những nơi công khai tiêu thụ nên nhóm “trộm nhí” của Tuấn yên tâm thực hiện hàng loạt phi vụ trộm cắp tài sản cho đến khi bại lộ và sa lưới pháp luật.
Theo thống kê của TAND tỉnh, trong các loại tội phạm hình sự hiện nay, nhiều nhất vẫn là các loại đối tượng: trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đánh bạc luôn là những “vệ tinh” thường xuyên của những hiệu cầm đồ. Thông thường, khi thua cờ bạc, người chơi sẽ như người bị “khát nước”, càng cố tìm mọi cách để gỡ bằng cách lấy tài sản trong nhà mang đến “hiệu cầm đồ”. Khi tài sản trong nhà hết thì trộm của anh em, họ hàng, bạn bè, người thân rồi cuối cùng ra ngoài xã hội trộm cắp, cướp giật, lừa đảo. Vậy là đồng hồ, xe đạp, xe máy, máy tính xách tay, điện thoại di động và bất cứ thứ đồ dùng gì có thể quy ra tiền, bất kể của ai, nếu lấy hay lừa đảo được đều được bọn tội phạm đưa đến tiệm cầm đồ, nơi có thể nhận tiền một cách nhanh nhất. Đó là chưa kể đến bọn trộm cắp, lừa đảo chuyên nghiệp.
Chủ các tiệm cầm đồ họ biết giá trị thật của một hiện vật có thể là vài trăm ngàn đồng nhưng khi đưa vào cầm, họ chỉ định giá vài chục ngàn là cùng. Đồng thời, các chủ tiệm cầm đồ còn định mức lãi mỗi ngày 7-8%, thời hạn 3-7 ngày không chuộc được coi như là tài sản đó mất. Do đó, nhiều vụ án đến khi cơ quan công an phát hiện, nhiều tang vật vụ án nằm trong các hiệu cầm đồ, trong đó, bọn trộm tài sản chỉ được hưởng 1/4 giá trị , 3/4 còn lại rơi vào tay chủ tiệm cầm đồ.
Theo Chánh tòa hình sự (TAND tỉnh) Vũ Xuân Hải, để ngăn chặn tài sản phi pháp tuồn vào các tiệm cầm đồ, cũng như để khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý dịch vụ cầm đồ, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở, dịch vụ cầm đồ ở các địa phương phải đảm bảo điều kiện và thực hiện đúng các quy định. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật của các dịch vụ cầm đồ cũng phải xử lý nghiêm minh, để răn đe và phòng ngừa tội phạm, kể cả áp dụng biện pháp rút giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cơ sở không đủ điều kiện và vi phạm các quy định về kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Điều đáng chú ý nhất là phải phát hiện, xử lý những vi phạm về cầm cố hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, lãi suất, hợp đồng cầm cố...
LỆ VĂN