TAND tỉnh Phú Yên vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Phượng (sinh ngày 31/12/1994, trú xã An Cư, huyện Tuy An) về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án này không ai khác chính là đứa con trai năm tháng tuổi mà bị cáo mang nặng, đẻ đau. Khép lại phiên tòa, bị cáo Phượng phải nhận mức án 7 năm tù cho hành vi mất nhân tính của mình. Nhưng có lẽ, những năm tháng đến lương tâm của Phượng sẽ phải nếm trải sự giày vò bởi hình ảnh đứa trẻ nấc lên từng hồi dưới bàn tay đầy tội lỗi của chính mình
Bị cáo Nguyễn Thị Phượng tại phiên tòa - Ảnh: V.TÀI |
Đến nay, đã hơn bốn tháng trôi qua nhưng nhiều người dân ở thôn Tân Long, xã An Cư vẫn không thể nào quên vụ án “mẹ giết con” gây chấn động dư luận. Hôm đó, khoảng 6g30 ngày 30/10/2011, trong lúc đứa con năm tháng tuổi đang say sưa với bầu sữa mẹ, trong lúc nghĩ quẫn, Phượng dùng hai tay ép chặt mặt con vào bầu vú mình cho đến chết.
CUỘC ĐỜI BẤT HẠNH
Ngay sau khi xảy ra vụ án, ngày 12/12/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phú Yên đã tiến hành bắt tạm giam Phượng. Trong quá trình điều tra, Phượng đã thành khẩn thuật lại toàn bộ câu chuyện đau lòng, chất chứa nhiều nỗi buồn và tâm sự không giải thoát được đã đẩy Phượng vào vòng lao lý.
Sinh ra trong gia đình nghèo đông anh em nên dù là con gái duy nhất trong gia đình, Phượng cũng phải vất vả mưu sinh. Hàng ngày Phượng phải lặn hụp xuống đầm Ô Loan để mò cua, bắt ốc bán lấy tiền đổi gạo. Tuổi thơ cơ cực, gia cảnh nghèo khó nên Phượng không được đến trường kiếm cái chữ. Cuộc sống như vậy cứ thế qua đi, thoắt cái Phượng đã trở thành thiếu nữ.
Đầu năm 2010, Phượng rời quê vào tỉnh Bình Dương để xin làm công nhân. Với khuôn mặt dễ nhìn, chân chất nét quê nên Phượng được nhiều chàng trai để ý và tán tỉnh. Trong số hàng trăm nam công nhân thì Phạm Văn Le đã đi vào trái tim của Phượng. Bất chấp mình chưa đến tuổi kết hôn, cũng như chưa tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, quê quán của nhau, Le và Phượng đã thuê nhà sống chung như vợ chồng và dẫn đến có thai. Khi đó Phượng mới 16 tuổi còn trong độ tuổi vị thành niên, không nhận thức hết được sự nguy hiểm và những ảnh hưởng đến sức khỏe của mình sau này.
Sau khi có thai, để tiện việc sinh nở nên Phượng cùng Le kéo nhau về nhà mẹ đẻ của mình sinh sống. Thế nhưng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, cộng với việc Phượng thường xuyên đau bệnh nên giữa họ đã nảy sinh nhiều bất đồng. Sau khi Le bỏ mẹ con Phượng ra đi, Phượng bắt đầu cáu gắt và có những biểu hiện bất thường. Thế nhưng, do nhận thức quá hạn chế, nên khi Phượng đổ bệnh, gia đình lại không đưa đi bệnh viện mà tìm đến nhà thầy lang để làm bùa phép. Cuối cùng bệnh không thuyên giảm, Phượng bị suy sụp tinh thần, nhiều lần muốn tự tử và có ý định kết liễu cuộc sống của đứa con do chính mình đứt ruột sinh ra với ý nghĩ “sau khi chết, hồn nó sẽ bắt mình đi theo”. Ít nhất đã một lần người nhà phát hiện được hành động dại dột này và đã kịp thời ngăn cản. Nhưng…
Vào sáng 30/10/2011 định mệnh, trong lúc mọi người đi vắng thì Phượng lại nảy sinh ý định giết chết con mình. Trong lúc đang nằm trên võng cho con bú, Phượng đã dùng hai tay ép chặt mặt đứa trẻ vào bầu vú của mình cho đến chết ngạt, mặc cho hình hài bé nhỏ giãy đạp, vùng vẫy... Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, các dì của Phượng là Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Loan và người hàng xóm Phùng Thị Mỵ phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng.
Ngày 12/12/2011, công an bắt khẩn cấp Phượng. Những ngày tạm giam để chờ ngày ra tòa, Phượng gần như suy sụp hẳn, không ăn uống được gì.
BẢN ÁN LƯƠNG TÂM
Tại phiên tòa diễn ra ngày 23/2 vừa qua tại TAND tỉnh Phú Yên, bị cáo Nguyễn Thị Phượng đã nhận mức án bảy năm tù giam về hành vi “giết người” căn cứ theo cáo trạng truy tố tại Điểm c, Khoản 3, Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Rất đông người thân của Phượng là những nhân chứng, cũng là đại diện quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho cháu Nguyễn Tấn Dũng (nạn nhân – con của Phượng và Le) tha thiết xin hội đồng xét xử được giảm án cho người mẹ trẻ bất đắc dĩ vì suy nghĩ bồng bột đang ở tuổi vị thành niên, nhưng quyết định cuối cùng vẫn được giữ nguyên. Thẩm phán Nguyễn Minh Thu, chủ tọa phiên tòa, chia sẻ: “Đây là một vụ án thương tâm và đau lòng. Mặc dù rất hiểu hoàn cảnh của bị cáo và nguyên nhân sâu xa của vụ việc là do nhận thức nông cạn, am hiểu pháp luật còn nhiều hạn chế, nhưng pháp luật vốn nghiêm minh, hành động vi phạm pháp luật của Phượng cần phải được xử phạt nghiêm khắc. Ở góc độ khác, khi biết Phượng sống chung như vợ chồng với người khác là trái quy định của pháp luật, đáng lẽ gia đình phải ngăn cản nhưng lại không. Hay khi Phượng bệnh cần phải đưa đến bệnh viện điều trị thì gia đình lại nghe lời thầy lang cho uống bùa ngải. Chính nhận thức hạn hẹp, suy nghĩ thiển cận ấy đã dẫn tới hậu quả đau lòng và nỗi đau mà bị cáo phải chịu đựng. Giá như gia đình và bản thân Phượng có hiểu biết và tỉnh táo hơn thì hôm nay chúng ta không phải chứng kiến cảnh tượng bi thương thế này”.
Phiên tòa khép lại, nhìn Phượng lầm lũi bước lên xe về trại giam chờ ngày thi hành án mà ai cũng xót xa. Chín tháng mang nặng đẻ đau và năm tháng ròng rã cho con bú mớm, suy cho cùng Phượng cũng đã hy sinh bản thân mình rất nhiều. Thế nhưng, chỉ vì suy nghĩ nông cạn trong một phút giây nóng giận và nỗi uất ức không giải tỏa vì “người chồng” bạc tình, vô trách nhiệm… chất chứa bấy lâu trong lòng đã cướp đi tất cả. Để giờ đây, khi đối diện với bản án của lương tâm và của pháp luật, người thiếu nữ trẻ này gần như suy sụp hoàn toàn. Đây là câu chuyện bi thương và cũng là một bài học đắt giá trong cách quản lý con cái của những người làm cha, làm mẹ.
VĂN TÀI