TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Lam (SN 1981, nguyên kế toán UBND xã An Cư, huyện Tuy An) ba năm tù về tội tham ô tài sản. Hậu quả của vụ án cho thấy những bất cập trong công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực…
Minh họa: N.LÊ
“RÚT RUỘT” QUỸ NHIỀU LẦN
Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/10/2006, Nguyễn Tấn Lam lập phiếu chi số 10 với nội dung chi nộp khoản tiền nước sinh hoạt vào Kho bạc Nhà nước huyện Tuy An số tiền 33,66 triệu đồng. Thế nhưng, khi nhận tiền từ thủ quỹ Đỗ̀ Thị Minh Trang, kế toán Lam không nộp vào Kho bạc theo quy định mà giữ lại để tiêu xài cá nhân.
Tiếp đó, trong năm 2008, Lam cũng tiếp tục nhận 7,3 triệu đồng tiền phí chợ và lệ phí thi hành án từ thủ quỹ Nguyễn Thị Lý để đi thanh toán biên lai và nộp vào Kho bạc Nhà nước huyện, nhưng Lam không nộp mà giữ lại tiêu xài. Sợ bị phát hiện, đến ngày 31/12/2008, Nguyễn Tấn Lam lập phiếu chi số 428 với nội dung chi nộp Kho bạc Nhà nước huyện Tuy An số tiền 7,3 triệu đồng để hợp thức hóa chứng từ.
Sáng 1/2/2009, UBND xã An Cư tổ chức buổi gặp mặt đầu năm với những người dân làm việc xa xứ, về quê đón Tết Nguyên đán. Tại buổi gặp mặt này, những người con An Cư đã tự nguyện đóng góp cho chính quyền số tiền hơn 3,2 triệu đồng để hỗ trợ phúc lợi và an sinh xã hội. Số tiền này được cán bộ văn phòng nhận, rồi giao lại cho kế toán Lam. Sau khi nhận tiền, Lam không nhập vào quỹ theo quy định mà tự ý bỏ túi riêng.
HẬU QUẢ NHIỀU BỀ!
Tại phiên tòa phúc thẩm TAND tỉnh Phú Yên vừa qua, đứng trước vành móng ngựa, Nguyễn Tấn Lam đã thừa nhận, từ năm 2006 đến năm 2009, lợi dụng nhiệm vụ được giao, đã chiếm đoạt số tiền hơn 43,3 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Bị cáo cũng đã tự nguyện đền bù và khắc phục thiệt hại nên xin hội đồng xét xử xem xét và giảm án. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc và cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo, góp phần phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, xét bị cáo có nhân thân tốt, lại thành khẩn khai báo, mới ly hôn và đang nuôi con nhỏ nên hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt Nguyễn Tấn Lam ba năm tù về tội tham ô tài sản.
Vụ án cho thấy sự buông lỏng quản lý cán bộ, thiếu sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền xã An Cư và của cơ quan quản lý cấp trên trong việc bố trí, sử dụng và đánh giá quản lý cán bộ của mình, nhất là ở các vị trí nhạy cảm liên quan đến tài chính. Một vài vụ án tham nhũng gần đây trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, hậu quả tham ô tài sản không chỉ làm mất tài sản của Nhà nước, mất cán bộ, mà còn làm cho hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền kém hiệu quả, không phát huy tác dụng trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực… Tham ô tài sản không chỉ từ lòng tham, hám lợi, mà còn là sự cám dỗ của các thói hư tật xấu của một số “công bộc” của dân. Do đó, mấu chốt là việc tăng cường quản lý, giám sát và đề bạt cán bộ vào các vị trí chủ chốt liên quan đến tài chính.
VĂN TÀI